GDP giảm mạnh chưa từng có, Mỹ chính thức suy thoái kinh tế vì Covid-19
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế Mỹ đình trệ, hàng chục triệu người mất việc làm, doanh nghiệp phải đóng cửa. Kinh tế ít triển vọng phục hồi khi dịch bùng phát mạnh trở lại.
Theo số liệu của Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm nay 30/7, GDP quý 2 của nước này giả 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức suy giảm GDP mạnh nhất kể từ khi Mỹ bắt đầu thu thập số liệu này vào năm 1945.
Trước đó, trong quý 1, GDP của Mỹ cũng giảm 5%. Như vậy, với 2 quý suy giảm GDP liên tiếp, kinh tế Mỹ chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Giới chuyên gia dự đoán, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi đáng kể vào cuối năm nay, nhưng triển vọng này cũng đang bị lu mờ khi đại dịch Covid-19 có xu hướng bùng phát mạnh trở lại.
Kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi chính phủ buộc phải đóng cửa kinh tế hồi tháng 3 nhằm ngăn đà lây lan của Covid-19. Việc đóng cửa này khiến hoạt động sản xuất, thương mại đình trệ, gây ra tình trạng mất việc làm hàng loạt.
Trong tháng 4, hơn 20 triệu người Mỹ mất việc làm - một con số kỷ lục kể từ khi Mỹ thu thập số liệu cách đây hơn 80 năm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng tăng kỷ lục và chưa thể trở về mức trước đại dịch.
Thị trường việc làm có dấu hiệu phục hồi khi các bang bắt đầu mở cửa lại, hàng triệu người có việc làm trở lại, nhưng vẫn còn khoảng 15 triệu người mất việc. Nền kinh tế Mỹ được cho là tạo ra khoảng 2,3 triệu việc làm mới trong tháng 7, góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 10,3%, song tỷ lệ này vẫn cao hơn tỷ lệ thất nghiệp ở giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính.
Chi tiêu tiêu dùng, động lực lớn nhất của nền kinh tế Mỹ, giảm 34,6% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức suy giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu.
Mỹ hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với hơn 4,5 triệu ca mắc, trong đó hơn 150.000 người đã tử vong. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi các bang mở cửa trở lại để khôi phục kinh tế bất chấp cảnh báo rủi ro của giới chuyên gia y tế.