1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Gaza hứng 4.000 tấn bom đạn, bệnh viện thành nghĩa địa "dã chiến"

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhà xác tại bệnh viện lớn nhất Gaza rơi vào tình trạng quá tải khi số thi thể tăng vọt sau các cuộc giao tranh của Israel và lực lượng Hamas.

Gaza hứng 4.000 tấn bom đạn, bệnh viện thành nghĩa địa dã chiến - 1

Người Palestine đưa thi thể ra khỏi đống đổ nát ở Gaza (Ảnh: AP).

Theo hãng tin AP, hàng chục người Palestine thiệt mạng mỗi ngày trong chiến dịch tập kích dữ dội của Israel nhằm đáp trả cuộc tấn công chưa từng có của lực lượng Hamas vào cuối tuần trước.

Các bác sĩ tại bệnh viện Shifa, bệnh viện lớn nhất ở Dải Gaza, cho biết cơ sở này hiện không còn chỗ để đặt thi thể của những nạn nhân thiệt mạng trong các cuộc tấn công hoặc những người tử vong sau khi được đưa ra khỏi các đống đổ nát.

Nhà xác tại bệnh viện Shifa thông thường chỉ có thể tiếp nhận khoảng 30 thi thể cùng một lúc, nhưng hiện tại, các nhân viên bệnh viện phải xếp chồng thi thể ở tủ đông và đặt hàng chục thi thể khác cạnh nhau trong bãi đậu xe - nơi được biến thành "nghĩa địa" tạm thời. Một số thi thể được đặt trong lều, số khác được đặt trên nền xi măng, dưới ánh nắng mặt trời.

"Các túi đựng thi thể liên tục được đưa đến và bây giờ khu vực này trở thành nghĩa địa. Tôi kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể chất. Tôi phải tránh không suy nghĩ về việc mọi chuyện sẽ còn tồi tệ đến mức nào", Abu Elias Shobaki, y tá tại bệnh viện Shifa, nói về việc thi thể được đặt tại bãi đậu xe của bệnh viện.

Quân đội Israel cho biết lực lượng này đã thả khoảng 6.000 quả bom với tổng khối lượng lên tới 4.000 tấn xuống Dải Gaza kể từ khi lực lượng Hamas mở chiến dịch tấn công hôm 7/10. Không quân Israel cho biết họ đã tấn công hơn 3.600 mục tiêu ở Gaza trong 5 ngày qua.

Theo Bộ Y tế Palestine, tính đến tối 12/10, số người chết ở Dải Gaza ước tính khoảng 1.537 người, trong đó có khoảng 500 trẻ em, và 6.612 người khác bị thương. Hơn 340.000 người đã phải di dời, chiếm 15% dân số ở Gaza.

Gaza hứng 4.000 tấn bom đạn, bệnh viện thành nghĩa địa dã chiến - 2

Các tòa nhà biến thành đống đổ nát ở Gaza sau các trận tập kích (Ảnh: Getty).

Số lượng thi thể quá lớn khiến hệ thống y tế ở Dải Gaza bị quá tải và rơi vào khủng hoảng. Các bệnh viện ở Gaza thường gặp nhiều khó khăn, nhưng bây giờ, khi Israel phong tỏa dải đất này và cắt nguồn cung điện, nước, nhiên liệu, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.

"Chúng tôi đang ở trong tình thế nguy kịch. Xe cứu thương không đến được chỗ người bị thương, các nạn nhân không được chăm sóc đặc biệt, người chết không được đưa đến nhà xác", Ashraf al-Qidra, người phát ngôn của cơ quan y tế tại Gaza, cho biết.

Những túi đựng thi thể màu trắng được xếp thành hàng. Các nhà chức trách bệnh viện đã yêu cầu gia đình các nạn nhân tự xác định danh tính người thân của họ. Một số người nhìn vào túi đựng thi thể rồi gục xuống, gào khóc hoặc la hét.

"Các bệnh nhân nằm ngay trên đường phố. Những người bị thương nằm trên đường phố. Chúng tôi không thể tìm được giường cho họ", Mohammad Abu Selim, lãnh đạo bệnh viện Shifa, cho biết.

Với nguồn lực khan hiếm, các cơ sở y tế thiếu nhân lực và xe cứu thương phải mất hàng giờ để đưa nạn nhân đến nơi điều trị vì các cuộc không kích đã tàn phá các tuyến đường.

Khi các trận pháo kích dữ dội tấn công trại tị nạn Shati ngay phía bắc thành phố Gaza dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, những người bị thương đã tràn vào bệnh viện. Vì các phòng chăm sóc đặc biệt của Shifa đã kín chỗ, nên một số người phải nằm ở hành lang bệnh viện, áp sát vào tường để chừa lối đi cho nhân viên bệnh viện và cáng.

"Tôi đã đến nhiều nơi, chứng kiến nhiều cảnh tượng kinh hoàng và các cuộc pháo kích, nhưng chưa ở đâu có mức độ khủng khiếp như thế này", phóng viên ảnh địa phương Attia Darwish, 36 tuổi, nói khi chứng kiến những người bị thương đổ về bệnh viện.

Nhà máy điện duy nhất ở Gaza đã hết nhiên liệu từ ngày 11/10. Shifa và các bệnh viện khác đang cố gắng hết sức để tiết kiệm lượng dầu còn lại trong máy phát điện dự phòng của họ, tắt đèn ở tất cả các khoa của bệnh viện, trừ những khoa thiết yếu nhất như phòng chăm sóc đặc biệt, phòng mổ, trạm oxy.

Lãnh đạo bệnh viện Shifa cho biết nguồn nhiên liệu cuối cùng của bệnh viện sẽ cạn kiệt sau 3 hoặc 4 ngày nữa. Họ nói rằng cơ sở này thậm chí không còn điện để giữ lạnh các thi thể.

"Nếu điều đó xảy ra, thảm họa sẽ đến trong vòng 5 phút", Naser Bolbol, trưởng khoa sơ sinh của bệnh viện, cảnh báo.

Theo AP, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm