G20 khai mạc trong căng thẳng giữa hai siêu cường Nga - Mỹ
(Dân trí) - Hôm nay 5/9, hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ chính thức khai mạc tại St.Petersburg, Nga. Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường Nga – Mỹ về vấn đề Syria lên cao, các vấn đề kinh tế, tăng trưởng có thể sẽ trở nên mờ nhạt.
Diễn ra trong hai ngày 5 và 6/9, hội nghị thượng đỉnh G20 là nơi quy tụ các nguyên thủ, Bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương từ 19 quốc gia và liên minh châu Âu cùng một số quốc gia khách mời.
Mục tiêu chính của G20 vào thời điểm hiện tại đó là thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, trong bối cảnh sự bất ổn vẫn tiếp diễn trên các thị trường tài chính, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và sự mất cân bằng toàn cầu kéo dài.
Theo đài phát thanh Tiếng nói nước Nga, để tiến gần hơn đến việc đạt được mục tiêu này, nước chủ nhà của thượng đỉnh G20 năm nay đã nêu ra một số nhiệm vụ cho G20, đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, chủ yếu thông qua khuyến khích đầu tư dài hạn, đảm bảo sự tin cậy và minh bạch trên các thị trường và nâng cao hiệu quả pháp lý.
Tuy nhiên các vấn đề trên rất có thể sẽ bị lu mờ trước những tranh cãi ngày càng tăng giữa hai siêu cường thế giới là Nga và Mỹ liên quan đến vấn đề Syria.
Chỉ một ngày trước khi khai mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thừng cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đã nói dối trước quốc hội Mỹ. Ông Putin cũng cho rằng các nghị sỹ Mỹ đang bị cuốn vào việc phê chuẩn một hành động quân sự chống lại Syria.
“Chúng tôi nói chuyện với những người đó. Chúng tôi đã tưởng rằng họ đáng tin. Nhưng ông ta đã nói dối”, ông Putin nhận xét về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước quốc hội rằng không có các phần tử Al-Qaeda tại Syria. “Và ông ta biết rằng mình đang nói dối. Thật đáng buồn”.
Phát biểu trên được vị Tổng thống Nga đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Channel One của Nga và hãng tin AP. Tại đây ông Putin tiếp tục phản đối việc Mỹ chuẩn bị tấn công quốc gia Trung Đông, bởi theo ông, “ít nhất chúng ta phải đợi kết quả của các điều tra do Ủy ban điều tra của Liên Hợp Quốc tiến hành”.
Người đứng đầu điện Kremlin cũng tuyên bố “theo luật pháp quốc tế hiện hành, việc sử dụng vũ khí chống lại một quốc gia có chủ quyền chỉ có thể được phê chuẩn bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. Và rằng các hành động, hay phương thức khác để bảo vệ cho việc sử dụng vụ lực là “không thể chấp nhận được, và chỉ có thể được xem là hành động khiêu khích”.
Vậy nhưng trong đêm qua, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ vẫn phê chuẩn đề xuất của Nhà Trắng về việc tấn công Syria.
Trước cuộc gặp gỡ hôm nay, Washington và Mátxcơva cũng đã có những căng thẳng khi Tổng thống Obama tuyên bố hủy cuộc gặp với Tổng thống Putin được dự kiến diễn ra vào hôm qua. Theo tạp chí Time, đây là lần đầu tiên trong 53 năm qua nguyên thủ hai siêu cường hủy một cuộc gặp đã được lên lịch trước.
Ông Obama cho rằng bế tắc trong mọi vấn đề, từ nhân quyền tới không phổ biến vũ khí hạt nhân, và cả việc Nga hồi tháng 7 cho phép cựu điệp viên CIA Snowden tị nạn khiến ông và chính quyền của mình phải “tạm dừng” mối quan hệ với Nga.
Trong bối cảnh các vấn đề chính trị đang là đề tài bao trùm, sẽ không dễ để nước chủ nhà khiến các đại biểu tham dự chú ý tới các vấn đề kinh tế được nêu ra trong chương trình nghị sự.
“Ít nhất trong vài lần gần đây nhất, toàn bộ chương trình nghị sự đã bị đẩy ra sau bởi một số vấn đề khác nổ ra”, bà Ksenia Yudaeva, đại diện của Nga tại G20 khẳng định. Ở lần gần nhất, đó chính là cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp đã bao trùm diễn đàn của các nhà lãnh đạo G20. “Năm nay chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để tránh điều đó”, bà Yudaeva cho biết.
Nhưng với việc các tên lửa của Mỹ đang chĩa vào một đồng minh của Nga tại Trung Đông, việc khiến các chính khách tập trung bàn thảo vấn đề kinh tế có lẽ khó khả thi. Và cho dù thời tiết tại St. Petersburg được dự báo sẽ trời quang mây tạnh trong tuần này, không khí bên trọng cung điện Konstantin nơi hội nghị diễn ra có thể sẽ lạnh giá chẳng khác mùa Đông nước Nga.