F-16 và Mirage của Ukraine: Tiêm kích nào sẽ khiến Nga dè chừng hơn?
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định về mối đe dọa của 2 tiêm kích phương Tây cấp cho Ukraine đối với Nga trong thời gian tới.
![F-16 và Mirage của Ukraine: Tiêm kích nào sẽ khiến Nga dè chừng hơn? - 1 F-16 và Mirage của Ukraine: Tiêm kích nào sẽ khiến Nga dè chừng hơn? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/u6pHSiSKAbRhqnIYLCVo3R8S66w=/thumb_w/1020/2025/02/09/yt7qwbbezrkphhvo2rjcz4jwoi-1739074621406.jpg)
Tiêm kích Mirage (Ảnh: Reuters).
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Sébastien Lecornu, gần đây đã thông báo rằng Pháp đã bàn giao lô tiêm kích Mirage 2000-5 đầu tiên cho Ukraine sau khi các phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện.
Theo truyền thông, 6 chiếc Mirage 2000-5 đã được chuyển giao. Đội ngũ phi công và kỹ thuật viên Ukraine được huấn luyện tại Căn cứ Không quân Nancy, trong khi các sửa đổi kỹ thuật đối với máy bay và chương trình huấn luyện kỹ thuật sau đó được thực hiện tại Căn cứ Không quân Cazaux.
Các báo cáo trước đó cho thấy những chiếc tiêm kích này đã được tối ưu hóa để thực hiện đòn tấn công chính xác, bao gồm tích hợp tên lửa Storm Shadow/Scalp.
Ngoài ra, hệ thống tự bảo vệ của Mirage 2000-5 đã được nâng cấp nhằm tăng khả năng đối phó với radar, tác chiến điện tử và các mối đe dọa từ tên lửa đối phương, đặc biệt là trong bối cảnh hệ thống phòng không nhiều tầng phức tạp của Nga.
Trước khi nhận Mirage 2000-5, Ukraine đã vận hành các biến thể F-16 AM/BM Block 15 nâng cấp giữa vòng đời (MLU) do một số quốc gia châu Âu như Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Bỉ và Hy Lạp viện trợ.
Việc chuyển giao F-16 từ các quốc gia NATO này không tạo ra thay đổi đáng kể trên chiến trường Ukraine, khiến nhiều chuyên gia cho rằng Mirage 2000-5 cũng không phải mối đe dọa lớn đối với lực lượng Nga.
Cả F-16 và Mirage 2000 đều là tiêm kích đa nhiệm, tối ưu cho không chiến và tấn công mặt đất chính xác, với kích thước, trọng lượng và tầm hoạt động tương đương nhau.
![F-16 và Mirage của Ukraine: Tiêm kích nào sẽ khiến Nga dè chừng hơn? - 2 F-16 và Mirage của Ukraine: Tiêm kích nào sẽ khiến Nga dè chừng hơn? - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/d4xiQkRBQFwpzgF7mIzHnci0jaM=/thumb_w/1020/2025/02/09/ukraine-f-16-1739074691369.jpg)
Tiêm kích F-16 (Ảnh: Reuters).
F-16 được trang bị radar AN/APG-66(V)2 có tầm phát hiện 110km và có thể mang theo các bộ phận nhắm mục tiêu LANTIRN và Litening để sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác. Khi thực hiện nhiệm vụ tấn công, F-16 mang theo bom dẫn đường, còn trong không chiến, nó được trang bị tên lửa AIM-120 AMRAAM.
Trong khi đó, Mirage 2000-5 sử dụng radar RDY, có thể phát hiện mục tiêu cỡ tiêm kích trong khoảng 100-120km trong điều kiện tối ưu.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng, Mirage 2000-5 lại có một lợi thế đáng kể trong bối cảnh chiến sự Ukraine: Khả năng tấn công tầm xa nhờ có thể triển khai tên lửa Storm Shadow, một trong những vũ khí nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Ukraine. Đây là yếu tố quan trọng thường bị bỏ qua khi so sánh hai loại máy bay này.
Hiện tại, Không quân Ukraine sử dụng máy bay ném bom chiến thuật Su-24 thời Liên Xô để phóng tên lửa Storm Shadow.
Nhà sản xuất MBDA đã điều chỉnh Storm Shadow để tương thích với Su-24 chỉ trong vài tuần bằng cách sử dụng giá treo từ các máy bay Tornado của Không quân Hoàng gia Anh đã loại biên. Các giá treo này giúp kết nối tên lửa với nguồn điện của máy bay, đảm bảo mọi hệ thống hoạt động bình thường trước khi cất cánh.
Tuy nhiên, sự tích hợp này có thể còn thô sơ. Nhiều khả năng Storm Shadow không thể kết nối trực tiếp với hệ thống điện tử hàng không và điều khiển vũ khí của Su-24, buộc các thông tin mục tiêu và hành trình phải được lập trình trước khi gắn lên giá treo. Điều này làm giảm tính linh hoạt của vũ khí.
Ngược lại, khi được lắp trên Mirage 2000-5, Storm Shadow có thể kết nối với hệ thống điều khiển bay và vũ khí của máy bay, giúp tăng độ chính xác khi phóng và nâng cao khả năng nhắm bắn linh hoạt hơn.
Mirage 2000-5 nhỏ hơn và có khả năng tàng hình tốt hơn so với Su-24. Do đó, nó ít bị radar phòng không Nga phát hiện sớm, cho phép hoạt động gần lãnh thổ đối phương hơn, từ đó mở rộng tầm hiệu quả của tên lửa Storm Shadow.
Mirage 2000-5 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử ICMS Mk 2, bao gồm bộ thu cảnh báo radar, hệ thống gây nhiễu, và các bộ phóng mồi bẫy. Hệ thống này giúp phát hiện, ưu tiên và đối phó với các mối đe dọa từ radar, tăng khả năng sống sót của máy bay.
Nhờ có tác chiến điện tử, Mirage 2000-5 có thể bay qua các khoảng trống trong mạng lưới radar phòng không Nga, tránh bị phát hiện và tiến hành phóng tên lửa từ cự ly gần hơn với tiền tuyến hoặc thậm chí ở ngay trong lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Trong 2 năm qua, lực lượng phòng không Nga đã dần thích nghi và trở nên hiệu quả hơn trong việc phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tên lửa Storm Shadow.
Do đó, số lượng tên lửa đánh trúng mục tiêu đã giảm so với trước đây. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu Ukraine triển khai Mirage 2000-5 làm bệ phóng Storm Shadow.
Khoảng cách, thông số và quỹ đạo bay để đạt hiệu quả tối đa sẽ khác biệt khi sử dụng Mirage 2000-5, buộc Nga phải phát triển chiến thuật phòng thủ mới.
Khả năng không chiến của Mirage 2000 cũng là một mối đe dọa đối với lực lượng Không quân Vũ trụ Nga.
Tiêm kích Mirage 2000-5 của Ukraine có thể sẽ được trang bị tên lửa không đối không MICA của Pháp, tương đương với AIM-120 AMRAAM của Mỹ. MICA là loại tên lửa đa nhiệm, có hai biến thể chính dẫn đường bằng radar chủ động hoặc bằng hồng ngoại thụ động, tăng khả năng tàng hình với tầm bắn hiệu quả 80km.
Việc triển khai Mirage 2000-5 với tên lửa MICA có thể buộc các tiêm kích Su-35 của Nga phải lùi sâu hơn vào lãnh thổ Nga, tạo điều kiện để Mirage 2000-5 tiếp cận mục tiêu trong khu vực do Nga kiểm soát.
Không quân Ukraine dường như đang sử dụng F-16 chủ yếu để phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa của Nga. Trong khi đó, Mirage 2000-5 nhiều khả năng sẽ được triển khai linh hoạt hơn, vừa trong vai trò phòng không, vừa trong các nhiệm vụ tấn công tầm xa. Điều này có thể sẽ gây thách thức cho Nga trong thời gian tới.