EU từ chối công nhận Jerusalem là thủ đô Israel
(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) đã không ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc khối này cũng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, sau khi quyết định gây chấn động của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước.
Ngay sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu tới Brussels hôm 11/12 để chuẩn bị cho cuộc thảo luận với lãnh đạo “các nước lớn” ở châu Âu, EU đã đưa ra câu trả lời của khối. Theo đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, đã khẳng định rằng “mong muốn của Israel sẽ không nhận được sự ủng hộ tại châu Âu”.
Sau đó, trong một thông báo được đưa ra trước cuộc họp của các Ngoại trưởng EU, Thủ tướng Netanyahu cho rằng: “Việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ là một động thái hướng tới hòa bình và là giá trị nền tảng cho hòa bình Trung Đông. Tôn tin rằng tất cả hoặc gần như toàn bộ các nước châu Âu sẽ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem - nơi vừa được Mỹ công nhận là thủ đô của Israel, cũng như hỗ trợ chúng tôi trong các vấn đề liên quan đến an ninh, hòa bình và thịnh vượng”.
Tiếp đó, sau gần hai giờ thảo luận giữa Thủ tướng Netanyahu và các ngoại trưởng EU, bà Mogherini đã trả lời họp báo với lời khẳng định rằng EU không ủng hộ quyết định của Mỹ. Bà Mogherini nói: “Thủ tướng Netanyahu có thể giữ đề xuất đó cho những nước khác, vì từ quan điểm của các nước châu Âu, chúng tôi không ủng hộ phương án chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem.
Bên cạnh đó, bà Mogherini cũng tái khẳng định quan điểm của EU rằng “chỉ có một giải pháp duy nhất” cho hòa bình Trung Đông - đó là giải pháp hai nhà nước, với Jerusalem là thủ đô chung của cả hai nước Israel - Palestine và đường biên giới trở về như trước cuộc chiến giữa Israel và Ả-rập năm 1967.
Bà Mogherini khẳng định: “EU sẽ tiếp tục các nỗ lực với hai phía và các đối tác trong khu vực, gồm Ai Cập và Jordan, để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông”.
Gần đây việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã vấp phải phản đối từ nhiều nước, cảnh báo nguy cơ gây bất ổn khu vực và cản trở giải pháp “hai nhà nước” giữa Israel và Palestine. Quy chế của Jerusalem, nơi đặt các điểm tôn giáo linh thiêng đối với cả Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo, là vấn đề hết sức nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel coi cả thành phố này là thủ đô không thể chia cắt, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
Ngọc Anh
Theo AFP