EU phản đối tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Philippines ở Biển Đông
(Dân trí) - EU phản đối các hành động gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc "phun vòi rồng" vào tàu tiếp tế Philippines ở khu vực này.
Thông cáo của Liên minh châu Âu (EU) hôm nay 22/11 tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ của khối đối với bất kỳ hành động đơn phương nào gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các bên trong việc tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bao gồm các cơ chế giải quyết tranh chấp", thông cáo của EU cho biết.
Liên minh châu Âu cũng ủng hộ tiến trình do ASEAN dẫn dắt hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. EU cho rằng quy tắc này phải hiệu quả, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý, đồng thời không phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba.
Thông cáo của EU được đưa ra sau khi Philippines cáo buộc 3 tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 16/11 chặn đường và phun vòi rồng vào 2 tàu tiếp tế của Philippines. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, các tàu Philippines đang trên đường tới bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Văn phòng Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. ngày 18/11 đã công bố video ghi lại vụ chạm trán, cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng trực tiếp vào tàu Philippines. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết không ai bị thương sau vụ việc, tuy nhiên các tàu của Philippines phải hủy bỏ nhiệm vụ và quay về.
Ngoại trưởng Philippines cáo buộc hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc là "phi pháp", đồng thời cảnh báo việc Trung Quốc thiếu kiềm chế sẽ "đe dọa mối quan hệ đặc biệt" giữa hai nước.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng chỉ trích hành động của Trung Quốc "làm leo thang căng thẳng khu vực, xâm phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, vốn được bảo đảm theo luật pháp quốc tế và làm tổn hại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".