1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EU "đau đầu" với 5 kịch bản hậu Brexit

(Dân trí) - Liên minh châu Âu sẽ lựa chọn một trong năm kịch bản được nêu ra trong Sách trắng nhằm tìm hướng đi chung cho khối gồm 27 quốc gia thành viên, sau khi Anh rút khỏi khối này (Brexit).


Các đại sứ châu Âu trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều ngày 3/4

Các đại sứ châu Âu trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều ngày 3/4

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Junker hồi tháng trước đã công bố Sách trắng về tương lai của châu Âu nhằm vạch ra những hướng đi cho sự đoàn kết của liên minh. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh ​châu Âu.

Trong cuộc gặp gỡ với báo chí tại Hà Nội chiều ngày 3/4 nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của EU, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, và đại sứ các quốc gia thành viên gồm Bỉ, Ireland, Pháp, Slovakia, Italia, Cộng hòa Czech đều đồng tình rằng việc Anh rời EU là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU khẳng định họ tôn trọng quyết định của người dân Anh về việc chia tay liên minh.

Đại sứ Bruno Angelet thừa nhận Liên minh châu Âu đang đứng trước những thách thức to lớn và việc Anh rời EU là một thách thức mới. Vì vậy, 27 quốc gia thành viên còn lại của EU phải tìm ra hướng đi mới cho khối để liên minh đoàn kết và mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tuyên bố Rome hôm 25/3 nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu đang đối mặt với rất nhiều thách thức không có trong tiền lệ, cả trong khu vực và quốc tế: các cuộc xung đột khu vực, khủng bố, vấn đề nhập cư, bảo hộ, bất bình đẳng trong kinh tế và xã hội.

Đại sứ Italia tại Việt Nam Cecilia Piccioni cho rằng một thách thức lớn nữa mà EU phải đối mặt là làm sao để đáp ứng các kỳ vọng của công dân các quốc gia thành viên về một cộng đồng hòa bình, vững mạnh về kinh tế và an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo.

Đứng trước những thách thức to lớn, Sách trắng được Ủy ban châu Âu công bố hôm 1/3 đã vạch ra 5 kịch bản về tương lai của EU đến năm 2025: 1, “Tiếp tục” - Eu27 tập trung vào thực hiện chương trình cải cách tích cực; 2, “Không có gì khác ngoài thị trường chung” - EU27 không thể đồng thuận hợp tác hơn trong nhiều lĩnh vực chính sách ngoài các khía cạnh then chốt của thị trường chung; 3, “Dành cho những bên mong muốn hợp tác thêm” - EU27 tiếp tục như hiện nay nhưng cho phép các nước thành viên sẵn lòng hợp tác nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực chính sách; 4, “Làm ít hơn nhưng hiệu quả hơn” - E27 sẽ tập trung vào một số lĩnh vực có thể mang lại nhiều kết quả hơn, nhưng giảm hoạt động ở những lĩnh vực được coi là không mang lại giá trị gia tăng; 5, “Hợp tác nhiều hơn” - EU27 hợp tác nhiều hơn trên mọi lĩnh vực chính sách.

Đại sứ Bruno cho hay mặc dù chưa rõ EU27 sẽ chọn kịch bản nào cho tương lai nhưng các quốc gia thành viên đã cam kết với Chương trình nghị sự Rome để đưa châu Âu trở nên mạnh mẽ và bền vững hơn.

Trả lời câu hỏi về liệu Pháp có trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU nếu nữ ứng cử viên tổng thống Pháp Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới, ông Rémi Lambert, Tham tán thứ nhất tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội, cho rằng đây chỉ là lập trường của một đảng trong cuộc bầu cử và khả năng dẫn tới trưng cầu dân ý không cao. “Chúng tôi chưa dám đưa ra các bình luận thẳng thắn, nhưng có một tin tốt là người Pháp đều tin tưởng vào liên minh châu Âu”, ông nói.

Đại sứ Bruno cũng nhấn mạnh rằng việc Anh rời EU không ảnh hưởng tới tiến trình ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Ông Bruno hi vọng rằng thỏa thuận sẽ được ký kết vào cuối năm nay sau qua trình rà soát pháp lý.

An Bình