EU cáo buộc Nga "tống tiền" bằng khí đốt
(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga sử dụng khí đốt "như một công cụ tống tiền" sau khi tập đoàn năng lượng Nga cắt nguồn cung cho Ba Lan, Bulgaria.
"Việc Gazprom đơn phương tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho khách hàng ở châu Âu là một nỗ lực nữa của Nga nhằm sử dụng khí đốt như một công cụ tống tiền. Điều này là không chính đáng, không thể chấp nhận được, và một lần nữa cho thấy sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp khí đốt", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố hôm nay 27/4.
Tuyên bố của quan chức EU được đưa ra sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ hôm nay với lý do các nước này không đồng ý thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp.
"Chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản này. Chúng tôi liên hệ chặt chẽ với tất cả quốc gia thành viên. Chúng tôi đã và đang làm việc để đảm bảo lô hàng thay thế và mức lưu trữ tốt nhất có thể trên khắp EU. Các quốc gia thành viên đã đưa ra các kế hoạch dự phòng cho tình huống như vậy, chúng tôi đã phối hợp và đoàn kết với họ", bà von der Leyen cho biết.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, một cuộc họp của nhóm điều phối khí đốt đang diễn ra để đối phó với tình huống hiện nay.
"Chúng tôi đang vạch ra phương án phản ứng phối hợp của EU. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để đảm bảo nguồn cung thay thế. Tôi sẽ tiếp tục làm việc với các nhà lãnh đạo châu Âu và thế giới để đảm bảo an ninh cho việc cung cấp năng lượng ở châu Âu", bà von der Leyen nhấn mạnh.
Công ty khí đốt nhà nước Ba Lan PGNiG cho biết, thông báo của Nga sẽ không làm gián đoạn đến nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng ở Ba Lan, do Ba Lan vẫn còn nguồn dự trữ và sẽ được bù đắp từ các nguồn thay thế khác. Trong khi đó, các hợp đồng của Bulgaria với Gazprom có thời hạn đến cuối năm nay, tuy nhiên, Bộ Năng lượng Bulgaria cho hay, nước này sẽ không hoàn tất hợp đồng nếu buộc phải thanh toán bằng đồng rúp bởi điều đó có thể kéo theo rủi ro lớn với Bulgaria.
Ba Lan và Bulgaria là hai quốc gia đầu tiên bị Nga cắt nguồn cung khí đốt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tương tự hầu hết các nước trong EU, Ba Lan và Bulgaria phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong đó, Bulgaria phụ thuộc tới 90%.
Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 3 đã ký sắc lệnh yêu cầu các quốc gia, vùng lãnh thổ "không thân thiện" phải thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp từ ngày 1/4. Đây cũng là cách để Nga khôi phục giá trị của đồng nội tệ vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây thời gian qua.
Sau sắc lệnh của Tổng thống Putin, khí đốt của Nga vẫn "chảy" về châu Âu. Lý giải về điều này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các khoản thanh toán cho khí đốt được giao từ ngày 1/4 sẽ đến hạn vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, do vậy, Moscow chưa ngay lập tức cắt nguồn cung. Ông cũng nhấn mạnh, Nga có thể đảo ngược quy định thanh toán bằng đồng rúp "nếu các điều kiện khác xuất hiện" và Moscow không muốn làm khó các đối tác.