Em trai Floyd: Anh tôi không đáng phải chết vì 20 USD
(Dân trí) - Philonise Floyd, em trai của công dân da màu George Floyd, nghẹn ngào trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ, khi nói về cái chết của anh trai và kêu gọi cải tổ lực lượng cảnh sát.
Vài giờ sau khi George Floyd được chôn cất ở Houston ngày 10/6, em trai của nạn nhân là Philonise Floyd đã tham dự phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ.
Ủy ban tư pháp Hạ viện Mỹ hôm qua đã tổ chức phiên điều trần đầu tiên nhằm đánh giá sự bất công chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát sau cái chết của George Floyd.
"Tôi rất mệt mỏi. Mệt mỏi với những đớn đau hiện tại, mệt mỏi bởi những đớn đau mỗi khi có một người da màu bị sát hại không vì lý do gì. Tôi đến đây hôm nay để đề nghị quý vị hãy chấm dứt những chuyện này. Hãy chấm dứt những đau đớn", Philonise nói.
"Xin hãy lắng nghe nguyện vọng của tôi, nguyện vọng của gia đình chúng tôi, và những nguyện vọng đang vang lên trên toàn thế giới. Người dân từ mọi tầng lớp, giới tính, chủng tộc đã đoàn kết lại để yêu cầu thay đổi. Hãy tôn trọng họ, tôn trọng George, hãy thực hiện những thay đổi cần thiết để lực lượng thực thi pháp luật trở thành giải pháp chứ không phải là vấn đề", ông Philonise kêu gọi.
Cả hội trường im lặng khi Philonise phát biểu, một số đại biểu đeo khẩu trang, trong khi một số người dự phiên điều trần qua hình thức trực tuyến. Ông Philonise nói thêm: "George không làm hại ai vào hôm đó. Anh ấy không đáng phải chết vì 20 USD. Tôi hỏi quý vị, mạng sống của một người da màu đáng giá bao nhiêu? Hai mươi đô la ư? Đây là năm 2020. Thế là quá đủ rồi".
"Mạng sống của anh ấy là vấn đề. Mạng sống của tất cả chúng ta là vấn đề. Mạng sống của những người da màu là vấn đề", ông Philonise gạt nước mắt trong nghẹn ngào.
Ông Philonise là nhân chứng đầu tiên và quan trọng tham gia điều trần, ngoài ra còn có các nhà hoạt động nhân quyền khác. Ông George Floyd, công dân da màu 46 tuổi, bị cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ ghì cổ đến chết hôm 25/5 sau khi bị tố giác dùng đồng 20 USD giả. Cái chết của Floyd đã kéo theo làn sóng biểu tình giận dữ lan khắp nước Mỹ để phản đối phân biệt chủng tộc và kêu gọi cải tổ lực lượng cảnh sát.
Trong một diễn biến liên quan, Hạ viện Mỹ đang đẩy nhanh quá trình thông qua dự luật cải cách lực lượng cảnh sát quy mô lớn nhằm ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự. Trong hàng loạt nội dung, dự luật này đề cập đến việc cấm hành động "ghì cổ gây bất tỉnh".
Minh Phương
Theo Reuters