1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức "xếp xó" máy bay không người lái 800 triệu USD chưa từng tham chiến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Máy bay không người lái (UAV) đắt đỏ của Đức chưa có cơ hội chiến đấu thực sự đã bị đưa vào viện bảo tàng làm hiện vật trưng bày dù nó có giá tới 800 triệu USD.

Đức xếp xó máy bay không người lái 800 triệu USD chưa từng tham chiến - 1

UAV Euro Hawk RQ-4E (Ảnh: Northrop Grumman).

Theo The Drive, chiếc UAV trinh sát Euro Hawk RQ-4E - phiên bản châu Âu của UAV RQ-4 Global Hawk Mỹ - đã đón nhận một cái kết không có hậu. RQ-4E dự kiến sẽ được đưa tới viện bảo tàng lịch sử quân sự Bundeswehr ở Berlin để trưng bày, sau khi kế hoạch bán UAV này cho Canada sụp đổ.

Bộ Quốc phòng Đức xác nhận, theo một thỏa thuận ký hồi tháng 10/2019, các phần phụ tùng, thiết bị dịch vụ mặt đất, thiết bị thử nghiệm và công cụ đặc biệt sẽ được chuyển giao cho Cơ quan Mua sắm và Hỗ trợ NATO. Phần thiết bị này dự kiến sẽ được dùng để hỗ trợ phi đội 5 UAV RQ-4D, máy bay cũng được thiết kế dựa trên Global Hawk. Chi phí của thương vụ không được tiết lộ.

Những thiết bị còn lại, bao gồm nguyên chiếc RQ-4E và trạm điều khiển mặt đất, sẽ được đưa tới viện bảo tàng sớm nhất vào năm 2022.

Đây là không phải kết cục mà Bộ Quốc phòng Đức kỳ vọng khi khởi động chương trình Euro Hawk vào cuối những năm 2000.

Tuy nhiên, The Drive gọi chương trình Euro Hawk là "thảm họa không thể cứu vãn". Các nhà chức trách hàng không châu Âu "năm lần, bảy lượt" từ chối phê duyệt cho chiếc UAV khổng lồ này được phép bay qua khu vực có dân cư do lo ngại rằng nó có thể khiến giao thông hàng không dân dụng gặp rủi ro. Vì vậy, quân đội Đức không thể vận hành RQ-4E từ các căn cứ cho mục đích huấn luyện hoặc nhiệm vụ tác chiến.

Kết hợp với việc chi phí liên tục bị đội lên cao và các trục trặc khiến dự án nhiều lần bị hoãn lại, Đức quyết định đã hủy bỏ chương trình Euro Hawk vào năm 2013 sau khi đổ tới 793,5 triệu USD vào dự án.

Chiếc UAV sau đó bị cho "đắp chiếu" trong căn cứ Manching tại Bavaria và Đức sau đó đã xúc tiến việc bán chiếc UAV cho Canada. Tuy nhiên, thương vụ đã không được thông qua dường như vì chiếc UAV thiếu các bộ phận cần thiết, bao gồm các hệ thống điều hướng và điều khiển bay của nó, khiến UAV trở nên thiếu tin cậy. Việc khắc phục những nhược điểm sẽ cần chi phí đáng kể.