1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức kiểm soát một nhà máy lọc dầu của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Cơ quan quản lý liên bang của Đức giành quyền kiểm soát một nhà máy lọc dầu của Nga, sau khi chi nhánh của tập đoàn dầu khí Rosneft bị đặt dưới chế độ ủy thác.

Đức kiểm soát một nhà máy lọc dầu của Nga - 1

Nhà máy lọc dầu PCK của Rosneft Deutschland ở Schwedt, Đức (Ảnh: DW).

Reuters đưa tin, chính phủ Đức ngày 16/9 quyết định đặt Rosneft Deutschland, chi nhánh của Rosneft tại Đức, dưới chế độ ủy thác. Điều này đồng nghĩa nhà máy lọc dầu PCK của Rosneft Deutschland ở Schwedt, sẽ do cơ quan quản lý liên bang Đức kiểm soát.

"Với chế độ ủy thác, mối đe dọa với an ninh nguồn cung năng lượng đã được đối phó. Đây là yếu tố cơ bản cho việc bảo tồn, cũng như tương lai của cơ sở tại Schwedt", Bộ Kinh tế Đức cho biết.

Nhà máy lọc dầu PCK ở Schwedt là cơ sở lọc dầu lớn thứ 4 ở Đức. Nhà máy này đang được cung cấp dầu thô của Nga thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba, hiện được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận của EU.

Tuy nhiên, Đức đã cam kết rằng nước này sẽ loại bỏ mọi sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Điều này có nghĩa là Berlin phải tìm nguồn cung thay thế cho nhà máy lọc dầu Schwedt và tìm cách vận hành cơ sở này mà không có chủ sở hữu và nhà điều hành đa số hiện tại là Rosneft (sở hữu 54%).

Giành quyền kiểm soát Rosneft Deutschland là động thái mới nhất của Đức nhằm bảo vệ ngành năng lượng trước những tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Giới chức nước này mới đây cho biết sẽ tăng cường cấp tín dụng cho các doanh nghiệp năng lượng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt tăng sau khi Nga cắt nguồn cung cho châu Âu.

Động thái trên có thể khiến mối quan hệ giữa Đức và Nga căng thẳng hơn nữa bởi Berlin cũng là một trong những bên hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechaev hôm 12/9 nói rằng, Đức đã vượt "lằn ranh đỏ" khi cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

"Các hành động đơn phương của chính phủ Đức đang phá hủy quan hệ song phương được xây dựng suốt nhiều thập kỷ. Sự hòa giải hậu chiến giữa hai quốc gia, người dân hai nước đang bị xói mòn", Đại sứ Nga nói.

Theo Reuters