Dầu thô chua của Mỹ đến Đức ngày càng nhiều, thay thế dầu Nga

Nhật Linh

(Dân trí) - Theo dữ liệu theo dõi các tàu chở hàng và các nguồn thương mại, chuyến hàng dầu thô thứ 2 từ Vịnh Mexico của Mỹ đã lên đường đến Đức khi các nhà lọc dầu ở châu Âu thử nghiệm thay thế dầu Nga.

Châu Âu đang đặt mục tiêu giảm 90% lượng nhập khẩu dầu thô từ Nga vào cuối năm nay. Các nhà lọc dầu ở khu vực này được cho là đang tìm đến các nguồn dầu thay thế từ Na Uy, Trung Đông, Mỹ và Tây Phi.

Việc săn lùng các nguồn cung thay thế khiến 2 nhà lọc dầu gần đây đang thử nghiệm sử dụng dầu chua Mars (dầu thô chua: loại dầu chứa một lượng lớn tạp chất lưu huỳnh, là loại dầu có chất lượng thấp hơn dầu ngọt - PV) của Mỹ để thay thế dầu Urals của Nga.

Dầu thô chua của Mỹ đến Đức ngày càng nhiều, thay thế dầu Nga - 1

Dầu thô chua của Mỹ đang đến Đức nhiều hơn để thay thế dầu Nga (Ảnh: Reuters).

Theo dữ liệu theo dõi tàu của Refinitiv Eikon, một tàu chở dầu thô Mars của Mỹ có tên Ise Princes ở ngoài khơi bờ biển Louisiana đang trên đường đến cảng Rostock trên biển Baltic của Đức.

Đây là con tàu chở dầu thứ 2 trong tháng này, mang theo khoảng 570.000 thùng dầu thô chua của Mỹ. Theo dữ liệu, con tàu này sẽ cập cảng Rostock vào ngày 30/8.

Shell, hãng vận hành mỏ dầu chua Mars, từ chối bình luận về thông tin này.

Dầu chua Mỹ sẽ chảy từ cảng Rostock đến 2 nhà máy lọc dầu ở miền bắc nước Đức là PCK ở Schwedt và TotalEnergies ở Leuna thông qua đường ống.

Trước đó, hồi đầu tháng con tàu chở dầu thô Mars của Mỹ đầu tiên đã cập cảng Rostock và bơm dầu cho nhà máy lọc dầu PCK có công suất 233.000 thùng dầu/ngày. Tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu nhà nước Nga Rosneft nắm cổ phần lớn tại nhà máy này. Shell và Eni cũng nắm cổ phần thiểu số tại đây.

Tuần trước, Rosneft đã lên tiếng cảnh báo giá nhiên liệu tại Đức sẽ tăng vọt nếu PCK thay thế dầu Nga bằng loại dầu ngoài Nga nhập khẩu bằng đường biển có giá đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, dầu Mars của Mỹ có xu hướng sản xuất ra nhiều nhiên liệu chưng cất như dầu diesel, nhiên liệu máy bay, gasoil hơn là xăng. Trong khi đó, Đức phụ thuộc nhiều vào Nga như một nguồn cung cấp dầu diesel chính.

Theo Reuters