1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức chưa giao ngay tên lửa hành trình Taurus, Ukraine lên tiếng

Thanh Thành

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Đức khẳng định không nhất thiết phải cung cấp ngay tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine, động thái khiến Kiev lên tiếng bày tỏ không hài lòng.

Đức chưa giao ngay tên lửa hành trình Taurus, Ukraine lên tiếng - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (Ảnh: AFP).

Trong tuyên bố hôm 11/9, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng, việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Kiev không cần quá gấp vì "đơn giản là Mỹ có thể quyết định gửi tên lửa tầm xa chiến thuật ATACMS tới Ukraine".

"Điều này sẽ không tự động diễn ra nếu Mỹ đồng ý viện trợ tên lửa ATACMS cho Ukraine", ông Pistorius nói với các phóng viên bên lề chuyến thăm Cologne, đồng thời nói thêm rằng Đức vẫn chưa quyết định có cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine.

Kiev nỗ lực kêu gọi Berlin cung cấp tên lửa có tầm bắn hơn 500 km và được phóng từ máy bay chiến đấu này. Nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần nói rõ rằng, Berlin sẽ chỉ hành động phối hợp với Washington về việc cung cấp vũ khí.

Anh và Pháp đã gửi tới Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow và Scalp, tương tự như tên lửa Taurus. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ vẫn hạn chế gửi ATACMS tới Ukraine bất chấp yêu cầu cấp thiết của Kiev.

Vào cuối tuần qua, hãng tin ABC đưa tin, Mỹ có thể sẽ lần đầu tiên chuyển ATACMS cho Ukraine. Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky viết trên Telegram rằng, các cuộc thảo luận về ATACMS đang tiến triển nhưng ông không đưa ra thông tin chi tiết.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Tổng thống Zelensky nói, ông dự định trao đổi lại với người đồng cấp Mỹ Joe Biden về việc cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine và Kiev hy vọng sẽ nhận được chúng vào mùa thu.

Phản ứng trước tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Berlin "đang lãng phí thời gian" và khiến Kiev chịu nhiều thiệt hại khi chưa cung cấp tên lửa hành trình Taurus.

"Tôi không hiểu vì sao chúng ta vẫn lãng phí thời gian. Chúng tôi đã có thể đạt được nhiều mục tiêu hơn, cứu nhiều mạng sống của binh sĩ và người dân Ukraine hơn nếu có tên lửa Taurus", ông Kuleba nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock ở thủ đô Kiev hôm 11/9.

Tên lửa hành trình khó bị radar phòng không phát hiện do bay bám địa hình ở độ cao thấp. Chúng chủ yếu được sử dụng để tấn công các mục tiêu có giá trị cao phía sau phòng tuyến của đối thủ như sở chỉ huy, kho đạn và nhiên liệu, sân bay và các cây cầu trọng yếu.

Đức chưa giao ngay tên lửa hành trình Taurus, Ukraine lên tiếng - 2

Tên lửa hành trình Taurus (Ảnh: Reuters).

Taurus là tên lửa hành trình phóng từ máy bay và ứng dụng thiết kế tàng hình. Mỗi quả đạn nặng 1,4 tấn, đạt tầm bắn 500km và có thể bay ở độ cao 30-70m với tốc độ 1.100km/h.

Nga đã sử dụng tên lửa hành trình tầm xa để tiêu diệt các mục tiêu ở Ukraine, bao gồm cả cơ sở hạ tầng dân sự, và Ukraine không có cách nào dễ dàng đáp trả những cuộc tấn công như vậy.

Theo các chuyên gia quân sự phương Tây, nếu Đức chấp thuận chuyển tên lửa Taurus thì sẽ thúc đẩy chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine, vốn đang diễn ra rất chậm chạp và không mấy hiệu quả.

Theo Reuters