1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đức chạy đua cứu trợ vùng bị lũ lụt tàn phá

Thanh Thành

(Dân trí) - Thực trạng hàng loạt ngôi nhà vẫn ngập sâu trong đống đổ nát, không có nước, điện… làm bùng lên lo ngại về nguy cơ dịch bệnh sau trận lũ lụt "trăm năm có một" tàn phá kinh hoàng nước Đức.

Đức chạy đua cứu trợ vùng bị lũ lụt tàn phá - 1

Một tuyến đường sắt bị phá hủy và trôi dạt đến làng Dernau, Đức ở sau trận lũ lụt kinh hoàng (Ảnh: DPA).

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 21/7 đưa tin, các tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ và các dịch vụ khẩn cấp ở Đức đã triển khai các hệ thống ống nước dự phòng khẩn cấp và xe tiêm chủng lưu động đến các vùng bị lũ lụt tàn phá từ ngày 20/7 nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng nổ tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Trận lũ kinh hoàng hồi tuần trước đã cướp đi sinh mạng của hơn 160 người trên khắp vùng tây nam nước Đức và phá hủy các dịch vụ cơ bản tại các ngôi làng trên đồi của thị trấn Ahrweiler, ở bang Rheinland-Pfalz. Hàng nghìn người đã bị mất nhà cửa, không có nước uống, nước sinh hoạt và mất điện.

"Chúng tôi không có nước, không có điện, không có gas. Toilet không thể sử dụng", cụ ông Ursula Schuch than vãn. "Cuộc sống như ngừng lại… Tôi đã gần 80 tuổi và tôi chưa bao giờ phải trải qua tình trạng tương tự".

Tại làng Dernau, bà mẹ Carina Dewald, 39 tuổi, cho biết đã mất tất cả khi lũ lụt tàn phá khu vực này. Trạm xăng nơi cô và chồng làm quản lý đã bị san phẳng, còn ngôi nhà của gia đình cô cũng bị tàn phá nặng nề khi nước sông Ahr dâng lên đến cửa sổ tầng một.

"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có thể trở về nhà, nhưng hiện tại thì chưa. Chúng tôi đang cố gắng và chờ đợi từng ngày", cô nói khi đứng giữa những đống đổ nát từng là con phố nhộn nhịp. "Trong lúc chờ đợi, về mặt kỹ thuật, tôi là người vô gia cư và thất nghiệp".

Hầu hết người dân ở Dernau, một ngôi làng với 1.800 người ở vùng thung lũng Ahrweiler, lo ngại rằng phải mất vài tháng nữa cuộc sống mới bắt đầu trở lại bình thường. Đường sá bị hư hỏng nghiêm trọng, các cây cầu bị phá hủy, một số khu vực của thung lũng Ahrweiler chỉ có thể tiếp cận bằng đường hàng không.

"Ngôi làng này sẽ không thể hồi sinh", một chủ vườn nho nói sau khi cho biết đã mất toàn bộ hầm chứa đầy rượu do lũ lụt.

Peter Schnitzler, 55 tuổi, quản lý và bếp trưởng của một khách sạn của gia đình cũng lo sợ về tương lai. "Tôi không nghĩ rằng mình sẽ có thể mở lại khách sạn", ông nói.

Khi các cửa hàng bị phá hủy và ôtô bị lũ cuốn trôi, nhiều người dân trong làng đã phải sống nhờ nguồn thực phẩm cơ bản do các tình nguyện viên cung cấp. Những tình nguyện nấu những bữa ăn nóng và cung cấp nệm, đuốc và máy phát điện cho người dân.

Tại nhiều khu vực ở vùng Tây Nam nước Đức hiện nay, người dân và các nhân viên cứu trợ đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn sau khi nước lũ rút đi. Nếu không dọn dẹp và cứu trợ khẩn cấp, nhiều hệ lụy có thể kéo theo như dịch bệnh khác bùng phát ngoài mối lo Covid-19, sau khi các hình ảnh cho thấy từng bầy chuột đến ăn những thứ bỏ đi trong tủ lạnh ở các ngôi nhà bị hư hại.

Hơn 120 người thiệt mạng do mưa lũ tại châu Âu

Trước tình trạng trên, chính phủ Đức đã tiến hành kế hoạch tiêm chủng lưu động trong khu vực. "Lũ lụt đã phá hủy mọi thứ nhưng không loại bỏ được virus gây bệnh Covid-19", Olav Kullak, người đứng đầu chương trình điều phối tiêm vắc xin trong khu vực cho biết. "Vì mọi người hiện phải làm việc cùng nhau và không thể tuân theo các quy định chống dịch, chúng tôi ít nhất phải cố gắng thúc đẩy tiêm vắc xin để có thể bảo vệ mọi người tốt nhất", Kullak nói thêm.

Ngày 18/7, khi đến thăm hiện trường các khu vực bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng ở miền tây nam nước Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẽ nhanh chóng tung ra các gói tài chính trị giá nhiều tỷ euro nhằm trợ giúp người dân và tái thiết cơ sở hạ tầng tại các vùng vừa bị lũ lụt tàn phá.