1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đưa quân đến Syria, Mỹ lặp lại sai lầm ở Iraq và Afghanistan?

Với những gì đã diễn ra ở Iraq và Afghanistan, nhiều người lo ngại Mỹ sẽ lại sa vào một “vũng lầy” khác ở Syria.

Hành động nhỏ nhưng là bước đi lớn

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/4 cho biết đã phê chuẩn kế hoạch triển khai thêm tới 250 binh sỹ đến Syria, trong đó có cả các đơn vị đặc nhiệm, nhằm huấn luyện và hỗ trợ lực lượng địa phương trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Quyết định đưa 250 lính Mỹ tới Syria đã đi ngược lại những tuyên bố trước đó của Tổng thống Obama. (Ảnh: New York Times)
Quyết định đưa 250 lính Mỹ tới Syria đã đi ngược lại những tuyên bố trước đó của Tổng thống Obama. (Ảnh: New York Times)

Trong bài phát biểu quan trọng tại thành phố Hanover của Đức, ông Obama tuyên bố việc triển khai này nhằm đẩy mạnh đà tiến của các lực lượng đặc nhiệm vốn đã hoạt động ở quốc gia Trung Đông này nhằm đánh đuổi IS ra khỏi các khu vực trọng yếu.

Nếu nhìn về số lượng, con số 250 có vẻ như là quá nhỏ, kém xa so với con số 180.000 binh sỹ Mỹ từng tham chiến ở Iraq và Afghanistan khi Tổng thống Mỹ mới nhậm chức hồi năm 2009. Tuy nhiên, động thái này có phải là một bước đi nhỏ của Mỹ trong nỗ lực can thiệp vào tình hình Syria hay không?

Trước khi đưa ra tuyên bố ngày 25/4, khi nói đến vấn đề Syria, câu cửa miệng của Tổng thống Obama là “không có chuyện Mỹ cử quân tham chiến trên thực địa”. Ông Obama đã hàng chục lần nhắc đi nhắc lại câu nói này, nhưng rồi ông đã làm điều ngược lại.

Quyết định của Tổng thống ngay lập tức được giới chức an ninh Mỹ lên tiếng ủng hộ. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nói: “Tôi nghĩ rằng việc bổ sung các lực lượng đặc biệt tham chiến ở Syria là cần thiết để hỗ trợ tư vấn hiệu quả không chỉ cho những người Arab đối lập mà còn cho cả lực lượng người Kurd”.

Còn nhiều nghi ngại

Thực tế là có những lý do khiến người ta phải lo ngại về sứ mệnh mở rộng của Mỹ ở Syria, dù theo tuyên bố của Tổng thống Obama thì những binh sỹ Mỹ được cử đến Syria không tham gia lực lượng quân tiên phong trong các cuộc chiến trên thực địa.

Thứ nhất, 250 binh sỹ này sẽ tham chiến ở Syria mà không có sự cho phép của Quốc hội. Theo đánh giá của giới quan sát, với quyết định này, ông Obama dường như đang cố gắng tạo ra một “di sản” trong cuộc chiến ở Syria trước khi rời nhiệm sở vào đầu năm 2017.

Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter trong một cuộc nói chuyện với những binh sỹ Mỹ. (Ảnh: Getty)
Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter trong một cuộc nói chuyện với những binh sỹ Mỹ. (Ảnh: Getty)

Thứ hai, không giống như các binh sỹ Mỹ ở Iraq, những người đang chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng theo yêu cầu của Chính phủ nước này, lực lượng Mỹ tham chiến ở Syria sẽ tiến hành các hoạt động tại một quốc gia có chủ quyền mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Thứ ba, có thể đây chỉ là một bước đi đầu tiên của Mỹ cho một kế hoạch triển khai quân quy mô lớn hơn. Khi được hỏi về khả năng này, ông Clapper đã lên tiếng phủ nhận: “Tôi không thể nói trước được những tác động của việc triển khai thêm 250 binh sỹ. Bất cứ lúc nào bạn có thêm ‘tai mắt’ trên thực địa, đó đương nhiên là điều tốt nhưng không phải là điều bắt buộc. Không thể chỉ dựa trên tính toán cơ học mà suy đoán chúng tôi muốn triển khai thêm quân ở đây”.

“Đừng hỏi tôi về khả năng đưa hàng nghìn lính Mỹ vào cuộc chiến này. Chúng tôi đang tìm kiếm những lực lượng khác tham gia cuộc chiến và tìm kiếm cách thức hỗ trợ họ”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết hôm 25/4.

Ông Cook nói thêm: “Một số ít lính Mỹ cũng có thể giúp tăng cường chất lượng cho các lực lượng địa phương. Chúng tôi có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách hỗ trợ cho họ”.

Mỹ liệu có sa lầy ở Syria?

Tuyên bố của giới chức Mỹ là vậy, nhưng dư luận hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ khi nhìn vào những gì đã và đang diễn ra ở Iraq hay Afghanistan. Cuộc chiến Iraq được cho là kết thúc vào cuối năm 2011 nhưng quân đội Mỹ lại đang dần quay lại chiến trường này trong hơn một năm trở lại đây.

Liệu một kịch bản tương tự như ở Afghanistan và Iraq đang chờ đợi phía trước những người lính này? (Ảnh: Reuters)
Liệu một kịch bản tương tự như ở Afghanistan và Iraq đang chờ đợi phía trước những người lính này? (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Tổng thống Obama cũng tuyên bố kết thúc sứ mệnh ở Afghanistan vào tháng 12/2014 nhưng các cuộc không kích vẫn diễn ra như cơm bữa ở Afghanistan, hàng nghìn lính Mỹ vẫn đang có mặt ở quốc gia này trong khi Taliban giờ đây đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bất kỳ ai cũng phải thừa nhận rằng, tình hình Syria là vô cùng phức tạp nhưng không ai có thể dám khẳng định, việc có thêm nhiều lính Mỹ ở Syria sẽ giúp cho tình hình ở đây trở nên sáng sủa hơn và những gì đã xảy ra ở Afghanistan hay Iraq đã chứng minh rằng, sự can thiệp của Mỹ chỉ làm mọi thứ thêm tồi tệ.

Hơn ai hết, các bên liên quan đều hiểu rõ rằng, cách tốt nhất để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là chấm dứt cuộc nội chiến giữa quân đội Chính phủ Syria trung thành với Tổng thống Bashar Al-Assad và lực lương đối lập.

Kịch bản này nếu xảy ra đương nhiên là điều không thể tốt hơn, nhưng diễn biến tại quốc gia Trung Đông này lại không đơn giản như vậy. Một tháng “đầy hứa hẹn” với thỏa thuận ngừng bắn giữa phe đối lập và lực lượng của Tổng thống Assad đã bắt đầu sụp đổ, cùng với đó, hy vọng mờ nhạt về việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Syria cũng “phai dần”.

Đánh bại IS đòi hỏi các phản ứng đa chiều, bao gồm cả cải thiện việc chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác an ninh như Tổng thống Obama đã nhấn mạnh. Tuy nhiên, việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria lại đang làm gia tăng nguy cơ đối đầu nghiêm trọng và đi kèm với nó là những câu hỏi chưa có lời đáp.

Một trong những câu hỏi được quan tâm hàng đầu đó là quyết định của ông Obama có ý nghĩa gì đối với những dự định tương lai của quân đội Mỹ ở Syria và động thái của Mỹ có đóng góp thế nào cho việc hướng tới chấm dứt chiến tranh ở quốc gia Trung Đông này?

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm