1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dư luận trái chiều xung quanh việc ông Trump được đề cử Nobel Hòa bình

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình đã dẫn đến rất nhiều cuộc tranh luận sôi nổi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử tại Winston-Salem, bang North Carolina, Mỹ ngày 8/9. (Nguồn: Reuters)
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng giải Nobel Hòa bình từ lâu đã không còn uy tín và ý nghĩa thiêng liêng và giờ đang bị biến thành một công cụ chính trị, và việc Tổng thống Mỹ Trump được đề cử giải thưởng này đã khẳng định điều này.

Công cụ chính trị

Nghị sĩ đảng Tiến bộ Na Uy Christian Tibring-Gedde đã đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cho giải Nobel Hòa bình vì “nỗ lực giải quyết các xung đột lâu dài trên thế giới”. Trong thư gửi tới Ủy ban Nobel, nghị sĩ Tibring-Gedde chỉ ra rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ giữa Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Theo ông, “các quốc gia khác ở Trung Đông sẽ noi gương UAE, thỏa thuận này là bước ngoặt, nhờ đó Trung Đông sẽ trở thành một khu vực hợp tác và thịnh vượng”.

Nhà phân tích chính trị Marat Bashirov bình luận: “Giải Nobel đã bị mất uy tín và giảm giá trị đến mức nó không còn mang ý nghĩa thiêng liêng như ban đầu nữa. Chúng ta đã quen với việc những người đoạt giải Nobel là những người có động cơ nào đó. Giải thưởng đã trở thành một công cụ chính trị”.

Theo ông Bashirov, giá trị của giải Nobel đối với hầu hết mọi người hiện nay chỉ được ước tính bằng tiền chứ không phải là bằng ý nghĩa hay giá trị nào đó . Ông cũng lấy làm tiếc rằng Ủy ban Nobel đang “theo dõi những tín hiệu này”. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận rằng khác với nhiều tổng thống Mỹ khác, trong suốt nhiệm kỳ của mình ông Trump thực sự không kích động một cuộc chiến nào.

Giáo sư Oleg Matveychev, nhà phân tích chính trị làm việc tại Trường Kinh tế Cao cấp Nga, cũng có quan điểm tương tự. Ông nhắc lại rằng người tiền nhiệm của Trump là Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã tiến hành hàng loạt cuộc chiến, nhưng vẫn được trao giải Nobel Hòa bình năm 2009.

Chuyên gia này cho rằng nếu so với ông Obama, ông Trump thậm chí có thể nhận được “2 giải Nobel”, bởi ông không khởi đầu cuộc chiến mới nào trong khi lại “đóng băng” nhiều xung đột cũ. Ông Matveychev nói: “Về tổng thể, giải Nobel đã mất uy tín từ lâu. Thay vì đánh giá công lao thực sự, ở đây chỉ có người Mỹ ‘tập hợp lại với nhau’ và giải thưởng được trao vì lý do chính trị”.

Cơ hội mong manh cho ông Trump

Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị Alexei Mukhin, việc Tổng thống Trump được đề cử giải Hòa bình càng khẳng định sự thất bại của nhóm lựa chọn ứng viên cho giải Nobel.

Ông Mukhin kết luận khi trả lời phỏng vấn đài Sputnik: “Mọi việc không còn có thể tồi tệ hơn. Trao giải Nobel Hòa bình cho một người phá hủy hệ thống an ninh tập thể bằng cách liên tục rút khỏi tất cả các thỏa thuận là tội ác, hoặc có thể xem là đỉnh điểm của những hoài nghi”.

Tờ The Local bình luận: “Việc được đề cử giải Nobel hòa bình không đảm bảo rằng ông Trump sẽ giành được nó tại Na Uy, quốc gia về cơ bản không mấy quan tâm tới những động cơ của ông”.

Nhà phân tích chính trị và chuyên gia về các vấn đề nước Mỹ Malek Dudakov nói: “Ông Trump từ lâu đã khẳng định rằng ông ấy xứng đáng với giải Nobel Hòa bình hơn cựu Tổng thống Barack Obama. Theo ông Trump, ông Obama đã được ‘tạm ứng’ giải Nobel, nhưng rồi hóa ra chẳng có gì lý do gì để họ trao cho ông ấy. Tôi nghĩ rằng, ở một mức độ nào đó, thực sự ông Trump xứng đáng hơn với giải thưởng này".

Theo chuyên gia này, ông Trump đã thu được thành công trong một số hoạt động gìn giữ hòa bình. Dù không có quá nhiều thành tựu, nhưng ông ta làm được việc lớn là thay đổi quan hệ giữa Israel và thế giới Ả Rập và tuyên bố rút hầu hết lực lượng Mỹ khỏi Trung Đông. Mặc dù có thể đó là những hành động mâu thuẫn và không nhất quán, nhưng được đánh giá là đi theo hướng hòa bình. Bên cạnh đó, ông cũng có một số phát biểu với tinh thần phản chiến trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, theo ông Dudakov, cơ hội để ông Trump nhận được giải thưởng là rất mong manh. Ông cho rằng lực lượng tự do, những người có tiếng nói trong việc quyết định các ứng cử viên, không mấy tôn trọng ông Trump, và thậm chí là còn có thái độ tiêu cực.

Ông nói: “Rất ít khả năng ông Trump nhận được giải thưởng này. Và thậm chí nếu ông Trump giải quyết mọi xung đột, chưa chắc họ sẽ trao bất cứ giải gì cho ông ta. Đơn giản là vì ông ta bị coi là một người theo chủ nghĩa dân túy”.

Hãng tin AFP cho biết Viện Nobel, nơi luôn “kín tiếng” về các đề cử, như thường lệ tiếp tục giữ im lặng và từ chối bình luận. Trong khi đó, theo The Local, trong quá khứ một vài thành viên trong Ủy ban Nobel, gồm 5 người có quyền chọn lựa đề cử, đã đánh điểm trừ cho đề cử của Tổng thống Trump.