1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dự án táo bạo của Mỹ: "Sạc" năng lượng cho UAV trên không bằng tia laser

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ đang thực hiện các nghiên cứu với mục tiêu hướng tới việc có thể "sạc" điện cho máy bay không người lái (UAV) trên không trung bằng tia laser.

Dự án táo bạo của Mỹ: Sạc năng lượng cho UAV trên không bằng tia laser - 1

Phi cơ Mỹ tiếp dầu cho tiêm kích trên không trung theo kiểu truyền thống (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Trong những năm qua, các chuyên gia quân sự đã ghi nhận vai trò ngày càng gia tăng của UAV trong các hoạt động tác chiến hiện đại. UAV ngày nay không chỉ có nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin, hay hỗ trợ vũ khí hạng nặng, mà trong nhiều trường hợp chúng cũng đóng vai trò hiệp đồng tác chiến hoặc hoạt động hiệu quả như tiêm kích.

Chính vì sự phổ biến của UAV trên chiến trường, một cuộc cạnh tranh để nâng tầm hoạt động và hiệu quả tác chiến của dòng vũ khí này đang có dấu hiệu hình thành.

Mỹ đang tích cực thúc đẩy chương trình này. Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ (DARPA) muốn các máy bay tiếp liệu của Không quân Mỹ có thể dùng chùm tia laser để nâng tầm hoạt động của các hệ thống UAV.

DARPA đã phát đi thông báo tới các nhà thầu quốc phòng về việc xem xét một dự án nhằm cải tiến các máy bay tiếp liệu có khả năng "sạc" năng lượng thông qua tia laser cho UAV ngay trên không trung. Nếu khả năng này trở thành hiện thực, nó có thể tạo ra hiệu ứng thay đổi cuộc chơi cho quân đội Mỹ trong tương lai.

DARPA tính mở dự án "Kho năng lượng trên không" cho các máy bay tiếp dầu truyền thống như KC-46 Pegasus và KC-135 Stratotanker, nhằm tích hợp tính năng "sạc" bằng tia laser đặc biệt lên các nền tảng này.

Kỳ vọng của DARPA là công nghệ di chuyển chùm năng lượng từ một điểm tới một điểm khác sử dụng tia laser có thể áp dụng cho mọi khu vực và cấp năng lượng 24h/ngày.

Theo DARPA, tia laser là một chùm năng lượng điện từ tập trung có thể được sử dụng để tiếp năng lượng cho một hệ thống máy bay không người lái nhằm nâng cao tầm hoạt động và thời gian nó có thể ở trên không. Nguyên tắc cơ bản của nó giống như hoạt động tiếp dầu bằng ống trên không trung của các máy bay tiếp liệu với các tiêm kích hoặc máy bay ném bom.

Mục tiêu ban đầu của DARPA là UAV, vì họ muốn làm chủ công nghệ trên thiết bị tương đối nhẹ và ít rủi ro. Nếu nắm bắt được cơ chế, Mỹ thậm chí muốn hướng tới áp dụng cho các phi cơ lớn hơn, kể cả tiêm kích.

Công nghệ truyền năng lượng bằng tia laser từng được công ty PowerLight thực hiện năm 2019 khi nó có thể đưa lượng điện 400 watts tới các thiết bị như đèn, máy tính xách tay, máy pha cà phê. Một số bên khác cũng đang nghiên cứu công nghệ "sạc" điện cho thiết bị từ xa bằng tia laser áp dụng cho thiết bị dân sự. Tuy nhiên, DARPA muốn nâng tầm công nghệ này lên phạm vi quân sự.

Theo Eurasian Times