1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đông Nam Á "nóng rực" vì Covid-19, các nước gồng mình chống dịch

Thành Đạt

(Dân trí) - Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và một loạt quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đang cấp tập triển khai các biện pháp kiểm soát sự bùng phát của dịch Covid-19.

Đông Nam Á nóng rực vì Covid-19, các nước gồng mình chống dịch - 1

Các tình nguyện viên khiêng thi thể một nạn nhân Covid-19 đến nghĩa trang ở Yangon, Myanmar (Ảnh: AFP).

Indonesia

Theo Nikkei Asia, Indonesia đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới vượt ngưỡng 40.000 người trong 2 ngày liên tiếp, cao hơn cả Ấn Độ, trở thành tâm dịch mới tại châu Á.

Indonesia ngày 13/7 đã ghi nhận 47.899 ca mắc Covid-19 mới, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 2,6 triệu người.

Vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á cũng ghi nhận thêm 864 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết tại Indonesia lên tới hơn 68.000 người.

Dù dân số Indonesia chỉ bằng 1/5 so với Ấn Độ, nhưng số ca nhiễm mới trong ngày tại Indonesia lại cao hơn Ấn Độ. Ngày 13/7, Ấn Độ ghi nhận hơn 32.000 ca nhiễm mới, giảm hơn 4.000 ca so với một ngày trước đó.

Mặc dù Ấn Độ vẫn là vùng dịch lớn nhất châu Á, song tình hình dịch bệnh tại nước này đang có xu hướng hạ nhiệt dần so với giai đoạn đỉnh điểm hồi tháng 4 và tháng 5. Trong khi đó, Indonesia đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận" khi số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng qua từng ngày.

Số ca nhiễm tăng đột biến ở Indonesia đã gây ra tình trạng thiếu giường bệnh và bình dưỡng khí, khiến hàng nghìn người không thể được điều trị.

Chính phủ Indonesia đang cố gắng chuyển đổi một số bệnh viện công thành các cơ sở dành riêng cho bệnh nhân Covid-19, đồng thời cho biết quân đội cũng đã đồng ý triển khai các bác sĩ quân y và mở các bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân.

Bắt đầu từ ngày 14/7, chính phủ Indonesia cũng sẽ phân phát 300.000 gói thuốc và thực phẩm chức năng cho những bệnh nhân không có triệu chứng và những người có triệu chứng nhẹ không cần nhập viện.

Malaysia

Malaysia ngày 13/7 đã ghi nhận 11.079 ca mắc Covid-19 mới. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm trong ngày tại nước này tăng lên 5 con số, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến các bệnh viện và trung tâm điều trị Covid-19 quá tải bệnh nhân.

Kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 10/7, với 9.353 ca nhiễm mới trong một ngày.

Malaysia hôm nay cũng ghi nhận 125 ca tử vong và kỷ lục 972 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tích cực. Cho đến nay, hơn 6.300 người đã chết vì Covid-19 tại Malaysia.

Selangor, bang đông dân nhất của Malaysia, đã ghi nhận phần lớn số ca nhiễm mới, với 5.263 trường hợp, tương đương 47,5% tổng số ca trong cả nước.

Với tổng cộng hơn 855.000 người mắc Covid-19, Malaysia là một trong những quốc gia có tỷ lệ ca nhiễm trên đầu người cao nhất Đông Nam Á.

Giới chức y tế Malaysia cho biết một trong những yếu tố dẫn đến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 tại Malaysia là do sự xuất hiện của biến thể Delta có thể lây qua đường không khí.

Biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ, cho đến nay đã lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là biến thể được đánh giá là "nguy hiểm nhất thế giới".

Số ca nhiễm tại Malaysia được dự đoán sẽ tăng thêm trong 2 tuần tới trước khi ổn định. Mạng xã hội tràn ngập video và hình ảnh các thi thể chất đống trong bệnh viện tại Malaysia.

Campuchia

Giới chức thủ đô Phnom Penh của Campuchia tuyên bố sẽ tái phong tỏa nếu người dân, đặc biệt là giới trẻ, coi nhẹ các biện pháp chống dịch, dù thành phố này đã hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Quan chức Bộ Y tế Campuchia Mov Kang ngày 12/7 cảnh báo các ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh và biến thể Delta đang làm gia tăng số ca nhiễm hàng ngày ở Campuchia. Ông nói thêm rằng nếu người dân tiếp tục phớt lờ việc phòng chống Covid-19, số người nhiễm và chết vì virus sẽ tiếp tục tăng lên.

"Bộ Y tế khẳng định Campuchia đã vượt lằn ranh đỏ về nguy cơ lây lan Covid-19. Chỉ khi người dân hợp tác và tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế, xã hội của chúng ta mới trở lại bình thường", ông Kang cho biết.

Campuchia hiện ghi nhận hơn 62.000 ca nhiễm và hơn 950 ca tử vong vì Covid-19. Tính đến nay, nước này đã tiêm vắc xin cho 4,84 triệu người, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Thái Lan

Thái Lan ngày 13/7 ghi nhận thêm 8.685 ca nhiễm và 56 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt hơn 353.000 và hơn 2.800 người.

Hơn 90% ca nhiễm và 95% ca tử vong tại Thái Lan được ghi nhận từ đầu tháng 4, sau hơn một năm nước này được đánh giá chống dịch Covid-19 hiệu quả. 

Giới chức y tế Thái Lan cho biết 57% ca nhiễm gần đây ở Bangkok liên quan biến thể Delta. Số ca nhiễm tăng đột biến khiến cơ sở y tế Thái Lan rơi vào khủng hoảng.

Giới chức Thái Lan buộc phải cho phép bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được cách ly tại nhà và trung tâm cộng đồng. Thái Lan cũng cho phép người dân sử dụng bộ xét nghiệm Covid-19 tại nhà.

Myanmar

Giới chức y tế Myanmar cho biết, nước này lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới trong ngày vượt ngưỡng 5.000 ca, cụ thể là 5.014 ca ghi nhận vào ngày 12/7.  

Với con số mới nhất, tổng số ca mắc Covid-19 của Myanmar cho đến nay đã tăng lên 197.227 ca, trong đó có 3.927 ca tử vong.

Trong bối cảnh tiến độ tiêm chủng chậm chạp và nhiều nhân viên y tế tiếp tục từ chối phục vụ để phản đối cuộc đảo chính của quân đội vào tháng 2, số ca nhiễm thực tế được cho là cao hơn so với số liệu từ các nhà chức trách Myanmar.

Người dân ở Yangon và Mandalay, hai thành phố lớn nhất trong nước, được khuyến cáo hạn chế đi ra ngoài vì tỷ lệ dương tính trong số những người được xét nghiệm Covid-19 đã vượt quá 30% và tình trạng thiếu ôxy y tế ngày càng nghiêm trọng.