1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lý do khiến Indonesia thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á

Thành Đạt

(Dân trí) - Hàng loạt yếu tố liên quan tới biến thể mới, thời gian cách ly, điều kiện truy vết và xét nghiệm khiến Indonesia chìm sâu trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Lý do khiến Indonesia thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á  - 1

Thi thể nạn nhân Covid-19 được chôn cất tại Indonesia (Ảnh: Reuters).

Indonesia đang phải vật lộn với sự gia tăng của ca mắc Covid-19 trong vài tuần qua. "Ổ dịch" lớn nhất Đông Nam Á liên tục ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Tính đến nay, hơn 66.400 người đã tử vong vì Covid-19 tại Indonesia, trong khi số người mắc bệnh cũng vượt 2,5 triệu người. Indonesia ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục hôm 7/7, lên tới 1.040 người trong một ngày.

Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm xảy ra sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri vào giữa tháng 5. Vào dịp này, nhiều người đã về quê và tụ tập tại các điểm du lịch, bất chấp lệnh cấm đi lại.

Chính phủ Indonesia đã đoán trước được kịch bản này. Năm ngoái, Indonesia cũng từng ghi nhận số ca nhiễm tăng khoảng 60-70% sau kỳ nghỉ Idul Fitri.

Để chuẩn bị trước tình hình, chính phủ Indonesia đã bổ sung tới 72.000 giường cách ly và khoảng 20.000 giường trong số đó đã kín chỗ trước kỳ nghỉ lễ.

Tuy nhiên, mức tăng số ca nhiễm sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri năm nay cao hơn đáng kể so với năm ngoái.

Năm nay, một số khu vực tại Indonesia đã ghi nhận mức tăng hơn 200%, khiến nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng.

Ngày 1/7, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan thậm chí thừa nhận rằng, chính phủ không ngờ số ca nhiễm tăng đột biến như vậy.

Theo người phát ngôn của chính phủ Indonesia về vấn đề tiêm chủng Covid-19, Siti Nadia Tarmizi, một lý do dẫn tới sự gia tăng đột biến số ca nhiễm tại nước này là việc người dân coi nhẹ các biện pháp chống dịch. Một lý do khác là sự xuất hiện của biến thể Delta.

Các chuyên gia tin rằng biến thể Delta, vốn rất dễ lây lan và chưa xuất hiện vào năm ngoái, đóng vai trò quan trọng và chủ đạo trong việc khiến số ca mắc Covid-19 tại Indonesia tăng vọt.

"Thực tế đã chứng minh ở khắp mọi nơi trên thế giới rằng, chủng Delta này rất dễ lây nhiễm", Giáo sư Zubairi Djoerban, người đứng đầu nhóm chuyên trách Covid-19 tại Hiệp hội Y tế Indonesia, cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng nhiều yếu tố đã góp phần dẫn đến tình trạng tồi tệ hiện nay tại Indonesia.

Các yếu tố như sự trở lại của lao động nhập cư từ nước ngoài cùng thời điểm người dân phớt lờ lệnh cấm đi lại trước kỳ nghỉ lễ Idul Fitri, hay thời gian cách ly ngắn, việc truy vết và xét nghiệm chưa hiệu quả cũng góp phần khiến số ca nhiễm tăng mạnh.

Biến thể Delta bùng phát

Bệnh viện Indonesia quá tải bệnh nhân Covid-19

Giáo sư Djoerban nhận định, do chủng Delta nguy hiểm hơn so với biến thể ban đầu của Covid-19, nên những người bị nhiễm Delta hầu như đều cần được điều trị tại bệnh viện.

"Đó là lý do tất cả các bệnh viện đều kín chỗ", giáo sư Djoerban nói.

Ông Djoerban cho biết, trước đây những người bị mắc Covid-19 sẽ phát triển kháng thể sau khi khỏi bệnh.

Tuy nhiên, các kháng thể được phát triển bởi các chủng virus trước đây dường như không cung cấp nhiều khả năng giúp người bệnh chống lại biến thể Delta.

"Vì vậy, có một số người đã từng mắc Covid-19 nhưng sau đó bị tái nhiễm", ông Djoerban nói thêm.

Giáo sư Djoerban lưu ý rằng những người đã được tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm biến thể Delta, mặc dù tỷ lệ này ở Indonesia hiện không cao.

"Đó là lý do sau khi tiêm phòng, chúng ta không nên chủ quan và quá tự tin. Chúng ta vẫn cần tuân thủ các biện pháp y tế", ông nói thêm.

Tiến sĩ Dwi Bambang, cũng tin rằng các biến thể mới - bao gồm cả Delta - là một yếu tố góp phần vào tình hình hiện tại ở Indonesia.

Nhà nghiên cứu về phổi làm việc tại 3 bệnh viện khác nhau ở thủ phủ Semarang của Trung Java cho biết, hiện ông có nhiều bệnh nhân hơn so với năm ngoái.

"Tất cả phòng bệnh đều kín chỗ. Để được cấp một phòng điều trị tích cực với máy thở là rất khó", ông Bambang cho biết thêm.

Thời gian cách ly ngắn

Lý do khiến Indonesia thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á  - 2

Bệnh nhân Covid-19 nằm vạ vật trên sàn đất trước lều tạm bên ngoài khu cấp cứu ở bệnh viện Bekasi, Jakarta, Indonesia (Ảnh: Reuters).

Biến thể Delta được cho là đã vào Indonesia từ những người nhập cảnh.

Tiến sĩ dịch tễ học Atik Choirul Hidajah cho biết, ngoài những người về quê hồi tháng 5, còn có nhiều lao động nhập cư Indonesia từ nước ngoài trở về.

Nhà dịch tễ học từ Surabaya tại Đại học Airlangga cho biết, mặc dù bất kỳ ai nhập cảnh vào Indonesia đều phải xuất trình xét nghiệm âm tính, nhưng việc thực thi diễn ra không nghiêm ngặt.

Những người đến Indonesia chỉ mất 5 ngày cách ly, trong khi Tiến sĩ Hidajah nói rằng thời gian ủ bệnh thông thường của Covid-19 là 14 ngày.

Mãi tới tháng 4, Indonesia mới áp dụng thời gian cách ly là 14 ngày đối với những người từ Ấn Độ, Pakistan và Philippines. Nhưng ngay cả khi quy định này được đưa ra, cảnh sát Indonesia vẫn phát hiện một số du khách từ Ấn Độ vi phạm quy định.

Tiến sĩ Masdalina Pane, thành viên của Hiệp hội các chuyên gia dịch tễ học Indonesia (PAEI), đồng tình rằng thời gian cách ly 5 ngày là quá ngắn và nó đã góp phần làm tăng đột biến số ca bệnh gần đây.

"Thời gian cách ly không nên chỉ có 5 ngày, mà phải là 14 ngày. Tôi tin rằng đây là lý do khiến số ca nhiễm tiếp tục tăng, ngoài sự xuất hiện của biến thể Delta", Tiến sĩ Pane cho biết.

Cuối tuần trước, chính phủ Indonesia cho biết thời gian cách ly đối với những người mới đến Indonesia sẽ tăng lên 8 ngày, kể từ ngày 6/7.

Truy vết không hiệu quả

Indonesia quay cuồng trong bão Covid-19

Một yếu tố khác dẫn tới sự gia tăng số ca nhiễm gần đây tại Indonesia là việc chính phủ đã giảm số lượng người theo dõi, truy vết các ca mắc Covid-19 từ cách đây vài tháng.

Hồi tháng 1, Indonesia đã tuyển 8.000 người truy vết tiếp xúc tại 59 khu vực sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới.

Tuy nhiên, số người tham gia truy vết đã giảm từ cuối tháng 3, sau khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu giảm.

"Bản chất chính của việc truy vết là ngăn chặn và cách ly có kỷ luật", Tiến sĩ Pane, thành viên của nhóm chuyên trách chống Covid-19 của chính phủ Indonesia, cho biết.

Tiến sĩ Hidajah ở Surabaya cho biết họ đã tiến hành nghiên cứu và dữ liệu mới nhất tính đến cuối tháng 6 cho thấy, tỷ lệ truy vết ở Indonesia là 1:10, trong khi tỷ lệ tiêu chuẩn ít nhất phải là 1:30. Điều này có nghĩa là đối với một người mắc Covid-19, chỉ có khoảng 10 người tiếp xúc gần được theo dõi, trong khi cần truy vết ít nhất 30 người để đảm bảo hiệu quả.

"Do chưa truy tìm được các đối tượng nghi nhiễm nên không xét nghiệm được. Và nếu những người này không được xét nghiệm, họ không thể được điều trị. Vì vậy, chúng ta nên tăng cường truy vết", Tiến sĩ Hidajah cho biết thêm.

Bà Hidajah lưu ý thêm rằng những bệnh nhân nghi nhiễm nên được cách ly tại nhà, nhưng không ai có thể đảm bảo rằng họ sẽ thực sự ở nhà.

Nếu việc truy vết và xét nghiệm vẫn còn hạn chế và thời gian cách ly vẫn còn ngắn, các nhà dịch tễ học đều tin rằng tỷ lệ lây nhiễm sẽ không giảm.

Bộ trưởng Y tế Indonesia nói rằng nước này sẽ ghi nhận mức cao nhất về số ca nhiễm Covid-19 vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, nhưng số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng cho đến nay. Bác sĩ Pane khẳng định điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến.

"Nếu không có biện pháp can thiệp ngay bây giờ, số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng cao", Bộ trưởng Y tế Indonesia cảnh báo.