Đồng minh NATO chạy đua "xây tường UAV" đối phó Nga
(Dân trí) - Các nước thành viên NATO giáp Nga đã cùng nhau xây dựng "bức tường máy bay không người lái" để đối phó hành động của Moscow.
Bộ trưởng Nội vụ Lithuania Agne Bilotaite ngày 24/5 đã công bố kế hoạch xây dựng "bức tường máy bay không người lái (UAV)" sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp từ các quốc gia vùng Baltic là Estonia và Latvia, cũng như Phần Lan, Na Uy và Ba Lan.
"Đây là một kế hoạch hoàn toàn mới, một bức tường bằng máy bay không người lái trải dài từ Na Uy đến Ba Lan, mục tiêu là sử dụng máy bay không người lái và các công nghệ khác để bảo vệ biên giới của chúng ta", bà Bilotaite nói.
"Ngoài cơ sở hạ tầng vật chất, hệ thống giám sát, máy bay không người lái và các công nghệ khác sẽ cho phép chúng ta tự vệ khỏi những hành động khiêu khích từ các quốc gia không thân thiện và ngăn chặn buôn lậu", bà Bilotaite nói thêm, song không cung cấp lộ trình của kế hoạch.
Ngoài việc triển khai máy bay không người lái để giám sát biên giới, các nước cũng sẽ sử dụng hệ thống chống máy bay không người lái để ngăn chặn máy bay không người lái của đối phương.
Cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua ở Ukraine cho thấy cuộc chạy đua về công nghệ quân sự giữa một bên là Nga, một bên là Ukraine và các nước phương Tây. UAV là một trong những vũ khí đóng vai trò quan trọng đối với cả hai bên ngay từ những ngày đầu xung đột.
Kiev không ngừng cải tiến UAV để tăng tầm hoạt động cũng như tính sát thương của loại vũ khí này. Những tháng gần đây, Ukraine được cho là đã tăng cường tập kích bằng UAV nhằm vào các kho chứa, nhà máy lọc dầu nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Tổng giám đốc doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất "Geran" của Nga Oleg Zhukov hồi tháng 4 tuyên bố, họ đã phát triển các thiết bị chống máy bay không người lái được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) để sử dụng trên chiến trường ở Ukraine.
AI đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine. Cả hai bên đang cố gắng sử dụng AI trong nỗ lực đánh chặn máy bay không người lái của đối phương trước khi chúng có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Nga, quốc gia có kho tên lửa dồi dào và sức mạnh hàng không vượt trội, đã lợi dụng tình trạng thiếu đạn dược của Ukraine để tiến sâu hơn tại mặt trận phía đông.
Ukraine giờ đây chỉ còn có thể dựa vào UAV để ngăn đoàn xe của Nga xông lên phía trước giành lấy lãnh thổ. Tuy nhiên, chúng không đủ để thay thế đạn pháo vì tầm tấn công hạn chế.
Ngoài ra, các hệ thống gây nhiễu, làm gián đoạn tần số UAV cũng đang khiến các nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn.