1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine hối thúc NATO bắn hạ tên lửa Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng Mỹ và các đồng minh nên bắn hạ tên lửa Nga, cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine và cho phép Kiev tấn công trực tiếp vào Nga.

Ukraine hối thúc NATO bắn hạ tên lửa Nga - 1

Tên lửa Patriot khai hỏa (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Trong cuộc phóng vấn với New York Times hôm 21/5, Tổng thống Volodymyr Zelensky đề nghị các nước thành viên NATO bắn hạ tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine. Ông tự hỏi liệu họ có quá sợ hãi về việc khiêu khích Moscow hay không.

"Vậy câu hỏi của tôi là, vấn đề là gì? Tại sao chúng ta không thể bắn hạ những tên lửa đó? Có phải đó là phòng thủ? Đúng. Đó có phải là một cuộc tấn công vào Nga? Không. Bạn đang bắn hạ máy bay Nga và hạ phi công Nga không? Không. Vậy có vấn đề gì khi lôi kéo các nước NATO vào cuộc chiến? Không có vấn đề nào cả", ông Zelensky nói.

"Hãy bắn hạ những gì trên bầu trời Ukraine. Và cung cấp cho chúng tôi vũ khí để sử dụng chống lại lực lượng Nga ở biên giới", ông Zelensky nói thêm.

Tổng thống Zelensky đề cập đến đòn tấn công của Mỹ và Anh vào giữa tháng 4, khi Iran nhắm mục tiêu vào Israel bằng máy bay không người lái và tên lửa. Cả Mỹ và EU đều phản bác, cho rằng hai tình huống này không thể so sánh được.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng kêu gọi NATO cung cấp các hệ thống phòng không Patriot. Ông đặt câu hỏi rằng liệu Ukraine có thể tiếp nhận 7 hệ thống này trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington hay không.

"Bạn có nghĩ rằng số lượng như vậy là quá nhiều? Cho một đất nước đang đấu tranh cho tự do và dân chủ trên toàn thế giới hiện nay", ông Zelensky đặt câu hỏi.

Ông Zelensky cũng bác bỏ mọi lời chỉ trích về nền dân chủ Ukraine, trong bối cảnh trì hoãn vô thời hạn các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống.

Ông tuyên bố Kiev "không cần phải chứng minh bất cứ điều gì về dân chủ với bất kỳ ai, bởi vì Ukraine và người dân Ukraine đang chứng minh điều này thông qua cuộc chiến của họ, không cần lời nói, không cần những lời hoa mỹ không cần thiết".

Trong bối cảnh quân đội Nga tiến công dọc chiến tuyến, Tổng thống Zelensky và các trợ lý của ông đã tăng cường kêu gọi phương Tây viện trợ nhiều hơn - đặc biệt là hệ thống phòng không Patriot và máy bay chiến đấu F-16 - nhưng cũng yêu cầu dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Các nghị sĩ Ukraine đã lên kế hoạch vận động quốc hội Mỹ thay đổi chính sách về việc cấp vũ khí cho Kiev tấn công lãnh thổ Nga. Bất chấp những nỗ lực này, hai quan chức Mỹ xác nhận với Politico rằng lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn không thay đổi.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh hôm 16/5 tuyên bố, lập trường của Washington rằng Kiev không nên nhắm mục tiêu vào Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp vẫn không thay đổi. Quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng, những vũ khí như vậy chỉ có thể được sử dụng để "giành lại lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron đầu tháng 5 khẳng định, nếu Ukraine muốn, họ có "quyền" sử dụng vũ khí do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. Moscow phản ứng với tuyên bố này bằng cách cảnh báo rằng, nếu một cuộc tấn công như vậy xảy ra, họ có thể nhắm vào các cơ sở quân sự của Anh "trên lãnh thổ Ukraine và xa hơn nữa".

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm