1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dòng chảy phương Bắc 2: Tâm điểm tranh cãi Nga - phương Tây giữa khủng hoảng năng lượng

Nga và Đức cho rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 "không hơn" một dự án thương mại nhưng giữa cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiều nghị sĩ châu Âu phản đối gay gắt thỏa thuận này do lo ngại sự phụ thuộc vào Nga.

Dòng chảy phương Bắc 2: Tâm điểm tranh cãi Nga - phương Tây giữa khủng hoảng năng lượng - 1

(Ảnh minh họa: AFP).

Đường ống dẫn khí gây tranh cãi nhất thế giới

Xa xôi, yên tĩnh và giàu tài nguyên năng lượng - bờ biển Lubmin ở phía bắc nước Đức hiện là nơi đặt đường ống dẫn khí gây tranh cãi nhất thế giới.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chạy dài 1.200 km từ Vyborg ở Nga qua Biển Baltic tới Lubmin ở Đức, bỏ qua Ukraine và Ba Lan. Đường ống này đã hoàn thành nhưng vẫn đang chờ để được thông qua theo quy định trước khi có thể cung cấp 55 tỷ mét khối khí tự nhiên sang châu Âu mỗi năm.

Theo ông Gustav Gressel - học giả cấp cao về chính sách tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, việc các nhà chức trách Đức thông qua đường ống này chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, công việc này không dễ dàng giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Một số nghị sĩ châu Âu gần đây đã phản đối mạnh mẽ thỏa thuận này và không muốn các nhà chức trách thông qua nó.

"Chúng tôi muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng", Morten Petersen, một nghị sĩ Đan Mạch tại Nghị viện châu Âu nói với CNBC ngày 15/10.

Dòng chảy phương Bắc 2 đã mang đến những ý nghĩa địa chính trị khác nhau. Mỹ luôn phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 bởi cho rằng dự án này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden từng bị các nghị sĩ trong lưỡng đảng Mỹ chỉ trích vì đã hành động không đủ quyết liệt để dừng dự án này.

Phần lớn khí tự nhiên ở châu Âu đến từ Nga. Năm 2020, lượng khí tự nhiên đến từ Nga chiếm khoảng 43% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào khối này, Eurostat cho hay.

Ba Lan và Ukraine cũng phản đối đường ống trên khi dẫn ra các mối lo ngại về an ninh năng lượng. Với Ukraine, nước này lo ngại đường ống trên có thể khiến lượng khí tự nhiên đi qua đường ống ở Ukraine ít hơn và vì thế làm giảm doanh thu của nước này. Những người chỉ trích Dòng chảy phương Bắc 2 cũng cho rằng, đường ống này không phù hợp với mục tiêu về khí hậu của châu Âu và có thể thúc đẩy ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin khắp khu vực.

Dù vậy, những người ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 thì cho rằng, sự phản đối của Mỹ xuất phát từ mong muốn bán khí tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu và vì thế, Washington coi thỏa thuận này là một trở ngại cho các lợi ích thương mại của mình.

Về phía Tổng thống Putin và nhiều nghị sĩ ở Đức, Dòng chảy phương Bắc 2 không hơn một thỏa thuận thương mại.

Nhận định với CNBC ngày 13/10, Tổng thống Putin khẳng định, dự án này "hoàn toàn mang tính thương mại" và là một cách hiệu quả để cung cấp khí tự nhiên sang châu Âu.

Dòng chảy phương Bắc 2 là tuyến đường ống dẫn khí tới châu Âu ngắn hơn đường ống đi qua Ukraine, ngoài ra còn hiện đại và tiết kiệm chi phí bảo trì hơn.

Một tài liệu từ Nghị viện châu Âu cho biết, "ước tính, chi phí bảo dưỡng đường ống dẫn khí qua Ukraine tốn từ 2,5 - 12 tỷ USD, trong khi chi phí thay thế toàn bộ có thể lên đến 17,8 tỷ USD. Trong khi đó, tổng chi phí của Dòng chảy phương Bắc 2 ước tính là khoảng 9,5 tỷ euro (tương đương 11 tỷ USD).

Nga thắng lớn khi Mỹ và Đức đạt thỏa thuận về Dòng chảy phương Bắc 2
VOV.VN - Sự đảm bảo từ Nga trong việc gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine đã đặt ra nền tảng cần thiết cho thỏa thuận giữa 2 nhà lãnh đạo Đức và Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Mặt khác, Nga cũng đạt được những lợi ích đáng kể.

Câu hỏi khó của châu Âu

Cuộc tranh luận về những gì cần làm với Dòng chảy phương Bắc 2 đã thu hút sự chú ý trong những tuần gần đây khi giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu. Giá khí đốt và giá điện tăng cao đã đặt sức ép lên các hộ gia đình và thậm chí có thể làm "chệch hướng" sự phục hồi kinh tế được định hình trong những tháng gần đây.

Vì thế, các nhà lãnh đạo châu Âu đang đứng trước sức ép để tiến hành các biện pháp nhằm làm giảm tác động này. Tổng thống Putin cho biết, Nga có thể cung cấp nhiều khí đốt hơn cho châu Âu với nếu khối này đưa ra đề nghị. Nhà lãnh đạo Nga cũng phủ nhận việc điện Kremlin dùng năng lượng như một "vũ khí" để chống lại châu Âu giữa bối cảnh một số bài báo đưa tin Nga hoãn cung cấp khí đốt cho khu vực này.

Tuy nhiên, EU hiện không chắc chắn về những gì khối này cần làm. Việc tăng nhập khẩu khí đốt từ Nga có thể đem tới một số giải pháp ngắn hạn nhưng những giải pháp về trung hạn và dài hạn vẫn là những câu hỏi khó.

EU đang nỗ lực trung hòa carbon trong những năm tới và việc này làm dấy lên câu hỏi về loại năng lượng mà các nước châu Âu sẽ sử dụng sau đó. Trong khi một số nơi coi khí tự nhiên - một nguồn nhiên liệu hóa thạch là một biện pháp để giảm phát thải CO2 trong lộ trình trung hòa carbon thì những nơi khác cho rằng, sự độc lập về năng lượng mới là khía cạnh quan trọng nhất - do đó việc sử dụng các nguồn năng lượng có thể thay thế và năng lượng hạt nhân có thể là một lựa chọn.