1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dòng chảy phương Bắc 2, lắp xong, bao giờ thì chảy

Dòng chạy phương Bắc 2 hoàn thành, dường như "ván bài năng lượng đã ngã ngũ"...

Dòng chảy phương Bắc 2, lắp xong, bao giờ thì chảy - 1

Có ý kiến cho rằng Dòng chảy phương Bắc 2 thực chất là "sự tư lợi và lợi ích quốc gia của Nga và Đức". (Nguồn: Politico).

Ngày 10/9, Chủ tịch tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, Alexay Miller thông báo việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đã hoàn thành, dự kiến có thể cung cấp cho châu Âu 5,6 tỷ m3 ngay trong năm 2021.

Có người lại nói "ba mươi chưa phải là tết". Vậy ai có thể ngăn cản và bằng cách nào?

Ai muốn ngăn nhất?

Truyền thống "chỉ điểm" ngay, Ukraine và Ba Lan là 2 trong số đó. Đường ống qua Ukraine mang lại cho Kiev mấy tỷ USD phí vận chuyển hàng năm, nguồn cung cấp khí khí đốt giá ưu đãi và vị thế "người có quyền đóng mở van" cả chiều EU lẫn Nga. Thậm chí, Ukraine còn muốn gắn dầu khí với vấn đề Crimea, Donbass!

Thế nên, Ukraine kêu Dòng chảy phương Bắc 2 lấy mất nhiều thứ.

Giữa Ba Lan và Nga có những mâu thuẫn chính trị, lịch sử từ thời Liên Xô. Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh hưởng đến vai trò trung chuyển khí đốt của Ba Lan. Tin dự án Baltic Pipe (đối thủ của Dòng chảy phương Bắc 2) bị ngưng càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Quan hệ Ba Lan và Nga hiện đang ở "mức thấp nhất", phủ bóng lên Dòng chảy phương Bắc 2.

Chuyện Ukraine, Ba Lan phản đối kịch liệt, làm mọi cách để ngăn Dòng chảy phương Bắc 2 là điều dễ hiểu. Ngăn cản xây dựng không được, mục tiêu của Ukraine, Ba Lan bây giờ là cùng Mỹ, EU trì hoãn vận hành Dòng chảy phương Bắc 2, gây sức ép buộc Nga phải chấp nhận điều kiện.

Lãnh đạo Ukraine, Ba Lan cảnh báo Dòng chảy phương Bắc 2 là "vũ khí địa chính trị" đe dọa an ninh năng lượng các nước Trung Âu, làm mất ổn định khu vực, gây chia rẽ các nước thành viên EU. Tổng thống Ukraine nêu yêu cầu với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức, các lãnh đạo EU…

Những gì có thể thì Ukraine, Ba Lan đã làm.

Tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD, dài 1.230 km chạy từ Nga sang Đức dưới đáy biển Baltic, cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không phải trung chuyển qua Ukraine.

Con bài "có giá" của Ukraine là tạo điều kiện cho Mỹ và NATO áp sát sườn phía Tây của Nga. Nhưng với NATO lúc này, nước cờ đó chưa hẳn là hay. Hỗ trợ từ bên ngoài là một chuyện, còn can dự trực tiếp vào "cục xương" Crimea, Donbass lại là chuyện khác.

Nga đã vạch "lằn ranh đỏ" cho việc NATO kết nạp, triển khai lực lượng ở Ukraine. Điều 5, nguyên tắc phòng thủ tập thể của liên minh làm NATO khó xử. Người dân Đức và một số nước châu Âu có chấp nhận "hy sinh lợi ích kinh tế" cho Ukraine không cũng là vấn đề.

Rõ ràng, Ukraine và Ba Lan không có "con bài tẩy", buộc phải trông chờ vào EU, nhất là vai trò của Mỹ.

Mỹ có cầm cái?

Đương nhiên, Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò lãnh đạo. Nhưng ở thời điểm hiện tại, vấn đề Dòng chảy phương Bắc 2 đang đặt Tổng thống Joe Biden giữa "hai làn đạn". Một bên là sự phản đối ở lưỡng viện, của Đảng Cộng hòa và một số thành viên Đảng Dân chủ. Một bên là quan hệ đồng minh với Đức và lập trường cứng rắn của Thủ tướng Angela Merkel.

Ngay từ khi dự án khởi công, Mỹ đã sử dụng các "con bài", từ trừng phạt kinh tế đến răn đe chính trị. Nhưng chính Tổng thống Joe Biden đã thừa nhận, bây giờ ngăn cản Dòng chảy phương Bắc 2 là điều không thể và lợi bất cập hại.

Phương án mà Mỹ lựa chọn, thể hiện trong thỏa thuận ngày 20/7, giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Angela Merkel. Tinh thần cơ bản là Mỹ không phản đối Dòng chảy phương Bắc 2.

Đổi lại, hai nước cam kết hỗ trợ tài chính cho Ukraine; yêu cầu Nga gia hạn thỏa thuận tiếp tục vận chuyển khí đốt và sẵn sàng trừng phạt nếu Moscow sử dụng khí đốt làm "vũ khí" đe dọa Kiev. Thỏa thuận mang tính an ủi nhiều hơn.

Mỹ sẽ cùng EU sử dụng các công cụ kỹ thuật và quy định của EU về thị trường khí đốt làm chậm trễ thời gian vận hành và buộc Nga chấp nhận một số điều kiện. Quá trình tham vấn, phê duyệt sẽ từ Đức lên EU rồi trở về Đức.

Trước đây, để "nắm đằng chuôi", EU chủ trương mua bán khí đốt của Nga theo thời vụ. Nhưng "người tính không bằng trời tính". Giá khí đốt hiện tại ở châu Âu lập đỉnh mới, hơn 700 USD/1.000m3. Trong khi Nga ký hợp đồng dài hạn với giá thấp hơn nhiều. Nga có điều chỉnh sát giá thị trường thì EU cũng không thể nói gì.

Bây giờ, Mỹ và EU không còn "nắm đằng chuôi". Cho nên, nói dễ, làm thế nào mới là vấn đề.

Người Đức giữ một đầu đường ống

Năm 2022, Đức sẽ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng và chấm dứt nhà máy nhiệt điện than vào năm 2038. Khí đốt cung cấp nguồn sưởi ấm cho 45% hộ gia đình Đức. Mùa Đông khắc nghiệt đang đến ngõ. Lại trúng thời điểm giá khí đốt cao chưa từng thấy.

Trong tình cảnh đó, nguồn cung cấp khí đốt ổn định lâu dài, giá thấp hơn, từ Dòng chảy phương Bắc 2 là lợi ích kinh tế quá lớn. Nó còn liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, nhất là trong điều kiện khó khăn của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế.

Đa số người dân Đức ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel. Bài viết trên tạp chí Đức Der Spiegel phản ánh tâm trạng của người dân: "Dòng chảy phương Bắc 2 không khiến chúng tôi phụ thuộc nhiều hơn vào Nga, nó khiến chúng tôi độc lập hơn trước Ukraine".

Thậm chí có người nói thẳng, thà phụ NATO còn hơn là bỏ Dòng chảy phương Bắc 2.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng bày tỏ "hoan nghênh việc thực tế là chính phủ Đức đang gắn bó với Dòng chảy phương Bắc 2", cho rằng đây là một "dự án châu Âu, vì lợi ích của nhiều nước EU".

Vì thế, Thủ tướng Đức hơn một lần tuyên bố "đây thuần túy là dự án thương mại". Lập trường của Đức đã rõ.

Như lời của Tổng thống Vladimir Putin: Thủ tướng Angela Merkel luôn "kiên định chính trị". Bà sẽ cố gắng thúc đẩy cài đặt mọi thứ "không để đảo ngược" Dòng chảy phương Bắc 2 trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, vật cản chưa phải đã hết. Cuối tháng 8, hai tòa án Đức ra phán quyết bất lợi đối với Dòng chảy phương Bắc 2. Trong đó có việc bác bỏ kiến nghị miễn trừ khỏi quy tắc thị trường khí đốt EU của công ty Nord Stream 2 AG.

Yêu cầu đặt ra của EU là công ty vận hành phải độc lập với công ty xây dựng đường ống và Dòng chảy phương Bắc 2 phải chia sẻ một nửa công suất đường ống cho bên thứ ba.

Ngày 26/9, Đức sẽ bầu cử Quốc hội, lựa chọn người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel. Một số đảng ở Đức không ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2, muốn gắn nó với vấn đề "nhân quyền". Nếu có liên minh cầm quyền mới, thì chuyện Dòng chảy phương Bắc 2 có thể lại xới lên.

Tuy nhiên, đảng cầm quyền nào cũng không thể đi ngược với lợi ích của đa số người dân Đức.

Nga không nắm dao đằng lưỡi

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án thương mại, tốt cho châu Âu và cho Nga. Giá khí đốt ở EU lên đỉnh là minh chứng. Hungary hài lòng vì sắp ký hợp đồng 4,5 tỷ m3 khí, thời hạn 15 năm. Một số nước châu Âu khác cũng có niềm vui tương tự vì ký kết hợp đồng dài hạn với Nga.

Ngoài lợi ích kinh tế rõ ràng, Nga sẽ không còn bị Ukraine "gây khó dễ". Dòng chảy phương Bắc 2 thành công chứng tỏ Nga là đối tác có thể tin cậy, hợp tác lâu dài, cùng có lợi với EU. Điều đó rất có ý nghĩa khi mà quan hệ EU và Nga đang xuống mức thấp.

Trong "ván bài năng lượng", Nga không còn đơn độc. Lợi ích kinh tế đan xen của nhiều tập đoàn đa quốc gia, của người dân Đức sẽ thúc đẩy họ tự bảo vệ Dòng chảy phương Bắc 2. Vậy là Nga không nắm dao đằng lưỡi.

Tổng thống Nga đáp lại yêu cầu gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt qua Ukraine, một cách không thể kín kẽ hơn. Chấp nhận yêu cầu nhưng sẽ tính toán sau khi cân đối nhu cầu thị trường châu Âu. Mỹ, EU không dễ bắt bẻ. Ukraine thì phải chờ.

Thủ lĩnh Đảng đối lập lớn nhất Ba Lan, ông Donald Tusk, cựu lãnh đạo Hội đồng châu Âu giận dữ "đây là 1 sai lầm không thể tha thứ cho sự ích kỷ của Đức… Đi ngược lại lợi ích chung của EU"! Ngược lại, Đức không hài lòng với sức ép từ Mỹ và một số nước. Đấy là nội bộ tự chia rẽ. Làm sao bắt lỗi được Nga.

Trong bối cảnh này, Nga không cần dùng đến "vũ khí địa chính trị" như cảnh báo của Ukraine. Nhưng giá trị nhiều mặt của Dòng chảy phương Bắc 2 cũng là "của để dành", phòng trường hợp đối tác không chơi theo luật.

***

Phe "không muốn" không chịu ngồi yên. Họ sẽ làm mọi thứ, kể cả chơi tất tay. Nhưng người muốn nhất thì không có "quân bài tẩy". Người có khả năng thì lưỡng lự, tính toán lợi ích. Người dân Đức và một số nước muốn "đẩy thuyền".

Truyền thông quốc tế bình luận "ván bài năng lượng đã ngã ngũ". Dòng chảy phương Bắc 2 có thể lùi thời điểm vận hành, nhưng sẽ chảy. Đến bao giờ? Theo lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, dự án có thể bắt đầu vận hành sau một tháng (tháng 10).

Nhưng một số chuyên gia dự báo, thời gian thử nghiệm kỹ thuật và giải quyết các vấn đề pháp lý có thể kéo hơn 4 tháng. Nếu phải lùi đến cuối 2021 hay sang 2022, lỗi không phải do Nga. Và không chỉ mình Nga thiệt hại.

Vậy là, có thể mượn câu thành ngữ nổi tiếng "Mọi con đường đều dẫn đến Roma" để nói "Mọi con đường đều dẫn đến Nord Stream 2".