1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Đòn hiểm” của Manila khiến Bắc Kinh lúng túng trong vụ Biển Đông

Việc Philippines liên tục cung cấp bằng chứng phản bác “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc khiến Bắc Kinh lộ rõ sự lúng túng và né tránh trước Tòa PCA.

Ngày 13/7, phái đoàn Philippines bắt đầu điều trần trong đợt thứ hai trước Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) Liên Hợp Quốc tại La Hay – Hà Lan.
 
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, việc phái đoàn của Manila được điều trần lần thứ hai là một tín hiệu “tích cực”. Nước này đã chuẩn bị tốt các câu trả lời cho vụ kiện cùng với bằng chứng rõ ràng phản bác những tuyên bố phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông tại Tòa Trọng tài.

Người dân Manila Philippines phản đối Trung Quốc. (Ảnh:
Người dân Manila Philippines phản đối Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Philippines khẳng định sẽ quyết tâm theo đuổi đến cùng vụ kiện với Trung Quốc, đúng chỉ đạo của Tổng thống đương nhiệm nước này, ông Bernigno Aquino trước khi ông mãn nhiệm vào tháng 5/2016.

Philippines cũng bác bỏ luận điểm của Trung Quốc cho rằng PCA không có thẩm quyền xử vụ kiện về tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với báo giới, nước này chỉ yêu cầu tòa xác định các ranh giới hàng hải thuộc về Manila theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Bằng chứng về sự sai trái của Trung Quốc

Theo Phil Star, cả Phillipines và Trung Quốc đều đã ký UNCLOS 1982. Philippines hoàn toàn dựa vào các điều quy định của Công ước này để đề nghị giải quyết các tranh chấp biển. Đây cũng là cơ sở để ngăn chặn những tranh chấp leo thang trong tương lai.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh : “Vụ kiện này có ý nghĩa với thế giới, nêu bật tinh thần cốt lõi của UNCLOS và từ đó có thể tạo cơ sở giải quyết các tranh chấp biển nếu xảy ra sau này”.

Trước khi vào phiên điều trần lần 2, Philippines nói rằng sẽ làm rõ chủ quyền biển và bác bỏ các yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Philippines cũng cáo buộc Trung Quốc nạo vét cát và san hô để bồi đắp các bãi đá thành các đảo nhân đạo đã phá hủy hệ thống san hô ở khu vực Biển Đông, trong khi quan chức Trung Quốc luôn miệng ra rả tuyên bố rằng Bắc Kinh cam kết bảo vệ các dải san hô cũng như môi trường biển ở khu vực biển này theo đúng các công ước của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc tham gia.

Philippines nêu báo cáo của chuyên gia John McManus, một nhà sinh vật học đại dương danh tiếng, người đã cùng làm việc với các nhà khoa học Philippines nghiên cứu về Biển Đông, đã khẳng định rằng: “Việc cải tạo đảo của Trung Quốc gây ra thiệt hại vĩnh viễn với tốc độ nhanh nhất đối với các rặng san hô trong suốt lịch sử của nhân loại”.

Không chỉ ở các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo, một phần rất lớn các dải san hô xung quanh đó cũng bị phá hủy bởi hoạt động nạo vét để lấy cát bồi đắp các bãi đá đó. Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc đã gây thiệt hại kinh tế lên đến 281 triệu USD/năm cho các quốc gia ven biển trong khu vực.

Từ bằng chứng này, Philippines đề nghị tòa yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động cải tạo đảo trên Biển Đông.

Ngoài việc bác bỏ “quyền lịch sử” và “đường chín đoạn” vô căn cứ, Philippines cũng phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc dựa vào các hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng gần đây. Các đảo nhân tạo này được tin là sẽ trở thành các căn cứ hải quân và không quân tương lai của Trung Quốc. Manila còn cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào việc thực thi chủ quyền của Philippines trên Biển Đông.

Bởi thế, Ngoại trưởng Philippines đề nghị Tòa án xác định các ranh giới biển thuộc về Manila theo quy định của UNCLOS, trong bối cảnh phần lớn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines theo quy định của UNCLOS bị Trung Quốc nói là thuộc chủ quyền của mình theo “Đường 9 đoạn”.

Trung Quốc lúng túng “xoa dịu” bằng giải pháp song phương
 
Ngày 14/7, Trung Quốc một lần nữa thúc giục Philippines nên giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp đàm phán trực tiếp thay vì đưa ra Tòa án quốc tế.
Người dân Manila Philippines phản đối Trung Quốc. (Ảnh:
Một bãi đá mà Trung Quốc đã tiến hành xong việc cải tạo và đang xây dựng các công trình trên đó. (Ảnh: AP)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh vẫn nhắc lại nước này phản đối đưa vụ việc ra Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) và nói rằng: Trung Quốc “sẽ không bao giờ chấp nhận để một bên thứ 3 là Tòa án giải quyết tranh chấp song phương”.

“Trung Quốc kêu gọi Philippines nên đi đúng hướng, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn”.

Tuyên bố của bà Hoa Xuân Doanh đưa ra sau Philippines thành công trong việc thuyết phục PCA yêu cầu Trung Quốc tham gia vụ kiện.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Philippines Charles Jose nói rằng: “Chúng tôi đã yêu cầu Trung Quốc tham gia phiên điều trần và chúng tôi sẵn sàng lắng nghe lời giải thích từ phía họ”.

Trước những động thái của Trung Quốc, giới phân tích quốc tế đang đề cập nhiều đến khả năng về một “ủy ban hòa giải” theo UNCLOS, để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Chuyên gia Richard Javad Heydarian, khoa Khoa học chính trị, Đại học Philippines De La Salle nhận định trên báo Anh: “Việc Philippines kiện Trung Quốc đặt Tòa án Trọng tài của Liên Hợp Quốc vào thế khó khi không thể từ chối đơn kiện của Philippines. Và nếu Manila đưa ra được những bằng chứng thuyết phục, Tòa án của LHQ càng ở thế khó hơn, và dễ phải đối mặt với những phản ứng khó lường từ phía nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới”./.
 
Theo Ngân Giang/VOV.VN