1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối phó Trung Quốc, Mỹ phá bỏ "chướng ngại vật" kìm chân tên lửa Hàn Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ đã hủy bỏ thỏa thuận hạn chế nhằm cấm Hàn Quốc phát triển tên lửa có tầm bay xa hơn 800 km, động thái có thể giúp vũ khí của Seoul có thể vươn xa ra mục tiêu bên ngoài bán đảo Triều Tiên.

Đối phó Trung Quốc, Mỹ phá bỏ chướng ngại vật kìm chân tên lửa Hàn Quốc - 1

Tên lửa đạn đạo Huynmoo của Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap).

Sau cuộc họp thượng đỉnh hồi cuối tuần trước với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo về việc Washington và Seoul chấm dứt áp dụng hướng dẫn song phương về tên lửa đạn đạo, điều đã ngăn cản sự phát triển của tên lửa Hàn Quốc trong hàng chục năm qua.

Ông Moon mô tả động thái này là "bước đi mang tính biểu tượng và thực chất thể hiện sự vững mạnh của liên minh Mỹ - Hàn". Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc mô tả động thái của Mỹ là khôi phục "chủ quyền tên lửa" của Seoul.

Hàn Quốc năm 1979 đồng ý với Mỹ rằng Seoul sẽ hạn chế tầm bay của tên lửa đạn đạo trong khoảng 180 km, với trọng lượng đầu đạn tối đa là 500 kg, để được sử dụng công nghệ của Washington.

Sau đó, Hàn Quốc và Mỹ viện dẫn mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Triều Tiên để nới lỏng bớt các hạn chế trong 4 lần, kể từ năm 2001. Năm 2012, Mỹ đồng ý cho tên lửa nội địa Hàn Quốc được mở rộng tầm bay lên 800 km, đưa toàn bộ Triều Tiên vào trong tầm ngắm. Năm 2017, Mỹ từng dỡ bỏ hạn chế về trọng lượng đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc.

Chuyên gia quốc phòng Yang Uk cho biết động thái nới lỏng hạn chế của Mỹ "đồng nghĩa với việc Hàn Quốc hiện có thể tự do phát triển và sở hữu bất kỳ loại tên lửa đạn đạo nào, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bắn xa hơn 1.000 km".

Ông Yang nói rằng tên lửa tầm xa hơn sẽ cho phép Hàn Quốc linh hoạt hơn trong chiến lược triển khai vì họ có thể đặt những khí tài này vào khu vực an toàn hơn mà không lo ngại nó sẽ ảnh hưởng đến đường bay của vũ khí.

Chiến lược đối phó Trung Quốc

Theo chuyên gia Park Won-gon từ Đại học Phụ nữ Ewha, việc Mỹ trước đó giới hạn về tầm bắn và trọng tải đầu đạn của tên lửa của Hàn Quốc nhằm tránh "chọc giận" Trung Quốc và Nga, đồng thời ngăn cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang căng thẳng và Mỹ có xu hướng muốn thay đổi chiến lược tên lửa ở khu vực.

"Việc Mỹ dỡ bỏ hạn chế về tên lửa Hàn Quốc phù hợp với kế hoạch của Washington trong việc thúc đẩy các đồng minh tăng cường năng lực tên lửa nhằm xây dựng mạng lưới tên lửa toàn khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc không hoàn toàn cùng quan điểm với Mỹ về vấn đề đối đầu với Trung Quốc bằng cách tham gia vào một 'cuộc chơi tên lửa' trong khu vực", ông Park nhận định.

Năm 2017, quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã căng thẳng khi Bắc Kinh có hành động trả đũa kinh tế với Seoul liên quan tới việc Hàn Quốc cho Mỹ triển hệ thống tên lửa THAAD trên lãnh thổ.

Bắc Kinh cho rằng việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Mỹ khẳng định hệ thống này có mục tiêu phòng thủ trước mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.

Vì vậy, giới quan sát khẳng định, dù Trung Quốc có thể sẽ không tên tiếng về động thái dỡ bỏ hạn chế của Mỹ với Hàn Quốc, việc Seoul phát triển tên lửa không đi ngược lại bất cứ quy tắc quốc tế nào, nhưng quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul có thể sẽ bị ảnh hưởng.