1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đối đầu Mỹ - Trung gia tăng cường độ, khó bề hóa giải

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Cuộc gặp cứng rắn và thẳng thắn giữa Mỹ và Trung Quốc tại Alaska hồi cuối tuần qua cho thấy rõ mức độ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở ngay đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.

Đối đầu Mỹ - Trung gia tăng cường độ, khó bề hóa giải - 1

(Từ trái sang phải) Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan tham gia cuộc họp ở Alaska (Ảnh: AP, Getty, Reuters).

Cuộc họp cấp cao đầu tiên Mỹ - Trung kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, diễn ra trong hai ngày 18-19/3 tại bang Alaska (Mỹ) và kết thúc mà không có thông cáo chung nào được đưa ra. Cùng với những chỉ trích công khai giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc họp cho thấy những mâu thuẫn sâu sắc giữa hai cường quốc khó bề hóa giải.

Những lời "có cánh" hiếm hoi

Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, cuộc gặp của quan chức cấp cao Mỹ - Trung là "thẳng thắn và có ích, giúp xây dựng hiểu biết lẫn nhau". Theo ông Dương, mục tiêu của cuộc gặp là thực thi những vấn đề được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm hồi tháng 2: "Hai bên cần xử lý quan hệ Mỹ - Trung dựa trên nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhằm tiến tới quan hệ song phương ổn định".

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh: "Ngay cả khi chúng ta không thể giải quyết mọi việc sớm thì việc trao đổi quan điểm như vậy sẽ giúp tăng cường lòng tin và xóa tan những nghi ngờ".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ đã đạt được cả hai mục tiêu cuộc đối thoại, trước hết, Washington chia sẻ những quan ngại của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trước một loạt hành động và cách cư xử của Trung Quốc. Thứ hai, Washington muốn cho Bắc Kinh biết thật rõ ràng các chính sách ưu tiên và quan điểm của Mỹ và thế giới.

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ trước cuộc gặp, ông Blinken cho biết: "Đây là một cơ hội quan trọng để Mỹ trình bày thẳng thắn về nhiều mối quan tâm của mình. Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu xem có con đường hợp tác nào không và chúng tôi sẽ thảo luận về sự cạnh tranh mà chúng ta có với Trung Quốc, để đảm bảo Mỹ có một sân chơi bình đẳng và các công ty cũng như người lao động của chúng ta được hưởng lợi từ điều đó".

Các chuyên gia cho rằng, cuộc họp này cũng có thể là cơ sở quan trọng để hai bên chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao giữa ông Biden và ông Tập tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Singapore vào tháng 5 tới, hay cuộc họp G20 vào tháng 10 tại Italia.

Nhiều mâu thuẫn khó hóa giải

Tuy vậy, những chỉ trích công khai giữa Mỹ và Trung Quốc tại cuộc họp, cũng như việc không có thông cáo chung nào được đưa ra khi kết thúc cuộc họp, đã một lần nữa chứng tỏ rằng những bất đồng sâu sắc khó thu hẹp giữa hai bên.

Những bất đồng giữa hai bên về nhiều khía cạnh, từ tính chất cuộc gặp, cho đến các vấn đề trong chính sách đối nội, đối ngoại của cả Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc nhấn mạnh đây là một cuộc "đối thoại chiến lược", dựa trên các cơ chế song phương trong quá khứ, trong khi Mỹ bác bỏ và nói rằng đây chỉ là một lần họp duy nhất để thảo luận các vấn đề.

Trong bài viết được đăng tải vài giờ sau phiên gặp mặt đầu tiên, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) cho hay, bài phát biểu khai mạc của phía Mỹ đã "vượt quá thời gian giới hạn một cách nghiêm trọng" và "khơi mào mâu thuẫn" khi "tấn công vô căn cứ" vào chính sách đối nội, đối ngoại của Bắc Kinh.

Mỹ cho rằng hành động của Trung Quốc "đe dọa trật tự dựa trên luật lệ duy trì sự ổn định toàn cầu", như vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng, sự chèn ép của Trung Quốc đối với các đồng minh của Mỹ. Phía Mỹ cũng cho rằng hai bên có lợi ích chung trong các vấn đề Iran, Triều Tiên, Afghanistan. Washington muốn Trung Quốc thay đổi hành vi nếu muốn thiết lập lại các mối quan hệ với Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc tỏ ra mạnh mẽ và quyết liệt khi công kích nền dân chủ Mỹ cũng như chính sách ngoại giao và thương mại của nước này. Bắc Kinh cho rằng, chính Mỹ đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép với các nước khác, đồng thời lạm dụng an ninh quốc gia để đe dọa tương lai thương mại quốc tế. Mỹ đầy "ảo tưởng" nếu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ thỏa hiệp.

Nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói: "Điều quan trọng là Mỹ cần phải thay đổi hình ảnh của mình và dừng áp đặt lên các quốc gia khác. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi đã bày tỏ sự phản đối kiên quyết trước sự can thiệp đó và sẽ có những hành động cứng rắn để đáp trả".

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CGTN) rằng, phái đoàn Trung Quốc đã nói với phía Mỹ, chủ quyền của Trung Quốc là một vấn đề nguyên tắc và cảnh báo: "Mỹ không nên coi thường quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc".

Quan hệ Mỹ - Trung lao dốc không phanh trong những năm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và được mô tả xa hơn cả "Chiến tranh Lạnh". Cuộc gặp cứng rắn và thẳng thắn này cho thấy rõ mức độ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở ngay đầu nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Biden.

Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng, đây "không phải là một đối thoại chiến lược" và "vào thời điểm này không có ý định sẽ có một loạt cuộc gặp sau đó". Ông Blinken lưu ý: "Những cuộc gặp sau này nếu có, phải thực sự dựa trên đề xuất rằng, chúng tôi đang thấy rõ có sự tiến bộ và kết quả cụ thể về các vấn đề mà Mỹ quan tâm về Trung Quốc".

Ông Sullivan, đồng tác giả một bài báo trên tạp chí Foreign Affairs với cố vấn hàng đầu châu Á của Tổng thống Biden - Kurt Campbell - thẳng thừng tuyên bố rằng "kỷ nguyên giao tiếp với Trung Quốc đã kết thúc một cách không hài hòa".

Cho tới thời điểm hiện tại, phần lớn các chính sách về Trung Quốc của ông Biden vẫn còn đang trong quá trình hình thành, bao gồm hướng đi đối với thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Biden đã đặt một trọng tâm mạnh mẽ hơn vào vấn đề giá trị dân chủ nhằm vào Bắc Kinh.

Trong Chiến lược chính sách đối ngoại tạm thời của chính quyền Biden được công bố đầu tháng này có đoạn, một Trung Quốc "quả quyết" hơn "là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ của mình để tạo ra thách thức lâu dài với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở".

Trung Quốc hy vọng quan hệ hai nước giống như thời điểm chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken đã báo hiệu điều này khó có thể xảy ra dưới thời Tổng thống Biden. Ngay trước thềm cuộc gặp, ông Blinken xem quan hệ Mỹ - Trung là "thử thách địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21" và kêu gọi đồng minh khu vực cùng chống lại Bắc Kinh.

Trong bối cảnh như vậy, việc hai bên có tìm được tiếng nói chung hay không sẽ phụ thuộc vào hội đàm trực tuyến giữa ông Biden với ông Tập dự kiến diễn ra tới đây. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng rất khó có thể giải quyết được các mâu thuẫn sâu sắc liên quan đến tất cả các khía cạnh quyền lực của hai cường quốc hàng đầu thế giới.