Đối thoại Mỹ-Trung căng thẳng ngoài tưởng tượng, báo trước đường gập ghềnh
(Dân trí) - Cuộc họp cấp cao Mỹ - Trung Quốc ở Alaska diễn ra căng thẳng có thể coi là điềm báo cho mối quan hệ sẽ còn nhiều sóng gió dưới thời chính quyền Joe Biden, sau 4 năm "băng giá" thời Donald Trump.
Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung Quốc đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden kết thúc vào sáng 19/3 sau 2 ngày họp căng thẳng. Hai bên khẳng định đây là một cuộc hội đàm thẳng thắn, song những phát biểu của hai phía cũng cho thấy nhiều bất đồng sâu sắc, không dễ hóa giải giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Căng thẳng ngoài kịch bản
Trước cuộc họp giới chức Trung Quốc tuyên bố không kỳ vọng nhiều vào cuộc đàm phán này, Mỹ cũng xác định không thể giải quyết hết bất đồng chỉ một cuộc họp. Tuy vậy, sự gay gắt và có phần không kiêng nể đối phương của giới chức hai bên ở phần đầu cuộc họp khiến nhiều người bất ngờ. Thậm chí khi quan hệ Mỹ - Trung Quốc ở mức tồi tệ chưa từng có dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, hiếm khi các cuộc đàm phán công khai giữa giới chức hai bên diễn ra trong bầu không khí căng thẳng như vậy.
Ngay mở đầu họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã "phủ đầu" với tuyên bố sẽ thảo luận "mối quan ngại sâu sắc" về các hành động của Trung Quốc ở Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng bị coi là "đe dọa trật tự thế giới dựa trên quy luật vốn nhằm duy trì sự ổn định toàn cầu". Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cũng tuyên bố, Mỹ sẽ đứng lên bảo vệ các đồng minh và đối tác trước các mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Phái đoàn Trung Quốc lập tức "phản pháo" bằng bài phát biểu gần 20 phút. thay vì 2 phút như thỏa thuận. "Vì phát biểu mở đầu của ông Blinken và ông Sullivan có sự thay đổi, nên chúng tôi cũng có một chút thay đổi. Tôi cho rằng chúng tôi đã nghĩ quá tốt về Mỹ. Chúng tôi nghĩ phía Mỹ nên tuân thủ các nghi thức ngoại giao cần thiết để chúng tôi có thể nêu rõ quan điểm của mình", nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói. Bài phát biểu của ông Dương dài tới mức ông nói đùa đây là thử thách cho phiên dịch viên.
Giới chức hai bên được cho là đã lời qua tiếng lại gần như suốt cuộc họp. Khi phóng viên chuẩn bị rời phòng họp, ông Blinken bất ngờ vẫy tay ra hiệu họ nán lại để phía Mỹ có thể đưa ra thêm quan điểm sau bài phát biểu của đại diện Trung Quốc. Lần này, đáp lại, các nhà ngoại giao Trung Quốc thậm chí chỉ trích giới chức Mỹ "trịch thượng", đưa ra những cáo buộc vô căn cứ và đó không phải là cách chủ nhà đón khách. Ở hậu trường, một quan chức của Mỹ cho rằng, Trung Quốc đến cuộc hội đàm với tâm thế coi trọng hình thức thay vì thực chất.
Cuộc họp "ném đá, dò đường"
Trung Quốc coi cuộc hội đàm ở Alaska là cuộc "đối thoại chiến lược". Tuy nhiên, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Washington chỉ coi đây là lần tiếp xúc ban đầu để nắm được những mối quan tâm, ý định và ưu tiên của cả hai bên. Quan chức này cho biết thêm, hai bên cũng xác định từ đầu rằng sẽ không có bất cứ tuyên bố chung nào sau cuộc họp.
Eric Sayers, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung của Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, mục đích của chính quyền của Tổng thống Biden với cuộc họp này là phát đi thông điệp "lằn ranh đỏ" với Bắc Kinh.
"Tôi có cảm giác là chính quyền ông Biden đang thử để xem có thể đạt kết quả thực sự từ những cuộc đối thoại như thế này với Trung Quốc hay không", nhà nghiên cứu Zack Cooper, một đồng nghiệp của ông Sayers, cũng nhận định.
Với Trung Quốc, cuộc họp là cơ hội để họ khẳng định lại vị thế, tạo một khởi đầu mới trong quan hệ với Mỹ sau 4 năm sóng gió vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền mới của ông Biden vẫn đang trong giai đoạn định hình chính sách với Bắc Kinh.
Cuộc họp báo căng thẳng mở màn cho thấy các bên đều muốn thể hiện một vị thế mạnh mẽ, ít nhất là trước ống kính truyền thông. Thực tế, cuộc đối thoại đã đi vào trọng tâm hơn, thẳng thắn và nghiêm túc khi phái đoàn hai bên họp kín sau họp báo. Sau gần 4 giờ hội đàm, đại diện của Trung Quốc cho biết, cuộc họp mang tính xây dựng, hữu ích nhưng vẫn còn nhiều bất đồng quan trọng.
Theo SCMP, Mỹ và Trung Quốc cam kết sẽ phối hợp giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 cũng như trong các vấn đề Iran, Triều Tiên, Afghanistan, Myanmar. Hai bên cũng nhất trí hợp tác trong các tổ chức quốc tế như G20, APEC, tăng cường trao đổi các vấn đề chính sách liên quan đến kinh tế, thương mại, y tế cộng đồng, an ninh mạng. Trong khi đó, vấn đề Hong Kong, Đài Loan tiếp tục là "nút thắt" trong mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ.
Điềm báo cho mối quan hệ gập ghềnh
Dù là "đối thoại chiến lược" hay "lần tiếp xúc ban đầu", cuộc họp ở Alaska có thể coi là dấu hiệu cho một giai đoạn sóng gió nữa trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, ít nhất trong tương lai gần.
Chong Ja Ian, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng cuộc họp có nét giống một số cuộc họp thời kỳ đầu Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô cũ. Ông Chong dự đoán, quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục căng thẳng dưới thời Tổng thống Biden mặc dù hai bên đều không muốn thấy mối quan hệ này đổ vỡ hoàn toàn. James Chin, giáo sư nghiên cứu châu Á, tại Đại học Tasmania (Australia), cũng nhận định: "Trong tương lai gần cả hai sẽ không nhượng bộ về các vấn đề gây bất đồng".
Hai tháng sau khi nhậm chức, chính quyền của ông Biden vẫn đang xây dựng và định hình lại các chính sách với Trung Quốc, trong đó có chính sách thuế quan của người tiền nhiệm Donald Trump.
David E. Sanger, một phóng viên Nhà Trắng của New York Times phụ trách mảng an ninh quốc gia, tin rằng chính quyền ông Biden sẽ không từ bỏ các công cụ quyền lực đối phó với Trung Quốc từng được thực hiện dưới thời cựu tổng thống Trump.
"Tôi nghĩ họ nhận ra rằng ông Trump đã xác định chính xác tầm quan trọng của việc đối phó với thách thức từ phía Trung Quốc nhưng cựu Tổng thống đã thực hiện sai cách", ông Sanger bình luận.
Chính quyền của ông Biden chủ trương khôi phục quan hệ với các đồng minh nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là sự thay đổi chiến lược so với chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump.