1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cứng rắn với Nga và Trung Quốc, Biden sẵn sàng "khác Trump" và không ngại đối đầu

Những tuyên bố và động thái cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden với cả Nga và Trung Quốc tuần vừa qua cho thấy họ sẵn sàng phá vỡ mọi đồn đoán cho rằng Mỹ sẽ mềm yếu với 2 quốc gia này.

Một khởi đầu không suôn sẻ

Mối quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden đã diễn ra với một khởi đầu khó khăn và thậm chí thù địch. Tuần này, ông Biden đã nhất trí với đánh giá của người phỏng vấn trong một chương trình trên ABC News rằng Tổng thống Putin "giết người" và rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ phải trả giá vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Tổng thống Putin sau đó đã phản hồi lại bằng cách chúc "sức khỏe" ông Biden và hy vọng hai bên sẽ có một cuộc trao đổi trực tuyến trực tiếp trong thời gian tới.

Cứng rắn với Nga và Trung Quốc, Biden sẵn sàng khác Trump và không ngại đối đầu - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Một ngày sau, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã không ngại đấu khẩu gay gắt với nhau ngay từ cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Chính quyền ông Biden có kế hoạch đối phó với Nga và Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các liên minh của Mỹ và hợp tác với các đối tác để gia tăng sức ép lên 2 quốc gia này. Ở chiều ngược lại, những dấu hiệu gay gắt và mạnh mẽ từ Moscow và Bắc Kinh cũng truyền đi một thông điệp rằng hai nước này đã sẵn sàng đối đầu với Mỹ.

Một số nhà quan sát cho rằng hướng tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden là một "luồng gió mới" so với lập trường hòa hoãn với Nga dưới thời cựu Tổng thống Trump. Trong khi ông Trump giữ thái độ thân thiện với Tổng thống Nga Putin và hạ thấp những đánh giá của các cơ quan Mỹ về mối đe dọa từ Nga thì chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng mở rộng các lệnh trừng phạt với Moscow sau cáo buộc đầu độc và bắt giữ liên quan đến lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny.

Đối với Trung Quốc, chính quyền ông Biden cũng cho thấy họ đang "đảo ngược" những nhận định ban đầu của đảng Cộng hòa rằng Tổng thống Biden quá mềm yếu với Trung Quốc.

"Tôi có nhiều điểm bất đồng với chính quyền ông Biden về mặt chính sách nhưng mọi người dân Mỹ đều nên đoàn kết để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã đúng khi nói rằng "đặt cược vào việc chống lại nước Mỹ sẽ không bao giờ là điều tốt". Chúng ta nên giữ thái độ cứng rắn trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse, một thành viên trong Ủy ban Tình báo Thượng viện đánh giá.

Không ngại đối đầu

Chính quyền ông Biden từng khẳng định rằng hướng tiếp cận của họ với Bắc Kinh là từ "vị thế sức mạnh", sử dụng việc thông qua gói cứu trợ nhằm ứng phó với Covid-19 như một minh chứng về sự phục hồi kinh tế hay các cuộc đối thoại với đồng minh và đối tác như một ví dụ cho sự nhất trí và thấu hiểu các quy tắc cũng như chuẩn mực quốc tế.

Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhận định với báo giới rằng những tuyên bố của các quan chức Trung Quốc là nhằm hướng đến công chúng trong nước và thừa nhận rằng các quan chức Mỹ đến cuộc họp ở Alaska với tâm thế của những người biết trước rằng cuộc đối thoại này sẽ "khó khăn".

Các quan chức Trung Quốc đã chỉ trích những nỗ lực của Mỹ nhằm tập hợp đồng minh khi nhà ngoại giao cấp cao nước này là Dương Khiết Trì nhận định tại cuộc họp ở Alaska rằng: "Tôi không nghĩ đa số quốc gia trên thế giới hiện nay công nhận rằng những giá trị phổ quát được Mỹ ủng hộ có thể đại diện cho quan điểm của công chúng quốc tế".

Ngoại trưởng Blinken sau đó đã phản hồi: "Vậy thì tôi phải nói các ông rằng những gì tôi nghe được rất khác những gì các ông miêu tả".

Ngoại trưởng Mỹ dự cuộc gặp ở Alaska với các quan chức Trung Quốc ngay sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông với các đồng minh ở Nhật Bản và Hàn Quốc, và sau cuộc họp trực tuyến của Tổng thống Biden với các nhà lãnh đạo từ Ấn Độ, Australia và Nhật Bản trong nhóm Quad - tập hợp các nước có cùng mối lo ngại về Trung Quốc.

"Trung Quốc dường đang ở thế phòng thủ sau Hội nghị Thượng đỉnh Quad đầu tiên được tổ chức thành công hồi tuần trước cũng như sau chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc của Ngoại trưởng Mỹ đầu tuần này", Lisa Curtis, giám đốc phụ trách khu vực Trung và Nam Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Trump cho hay.

Chuyên gia này cũng đánh giá: "Với vô số thách thức mà Trung Quốc gây ra cho các lợi ích của Mỹ, chẳng hạn như trong các vấn đề Tân Cương, Hong Kong, hay các hành vi quân sự hung hăng của nước này khắp Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và sự cưỡng ép kinh tế với các đồng minh của Mỹ, đây là một dịp tốt để hai bên bỏ qua những thủ tục ngoại giao và đi thẳng vào trung tâm của những khác biệt".

Phép thử của chính quyền Biden

Anthony Ruggiero, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia và là học giả cấp cao tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ nhận định, những tuyên bố ngày càng mạnh mẽ từ Nga và Trung Quốc là một phép thử sớm với chính quyền Tổng thống Biden.

"Đây có thể là một nỗ lực của cả hai nước này nhằm gây sức ép với chính quyền Mỹ mới để xem liệu họ có sẵn sàng ứng phó hay không, có thể là qua các lệnh trừng phạt hoặc những hình thức phản ứng khác", chuyên gia này nhận định.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ tới Brussels, Bỉ ngày 22/3 để tham dự cuộc họp với các quan chức cấp cao trong NATO, Liên minh châu Âu và các nhà lãnh đạo Bỉ. Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ là tâm điểm thảo luận trong sự kiện này.

"Như những gì các bạn thấy những ngày gần đây, chúng tôi cho rằng mối quan hệ của chúng tôi với Nga vẫn là một thách thức. NATO nhận thức rất rõ về điều này và đây là vấn đề mà tôi cho rằng chúng ta cần sẵn sàng chuẩn bị", Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Philip Reeker cho hay.

Bà Kendall-Taylor đánh giá Nga và Trung Quốc ngày càng có nhiều lợi ích chung trong các vấn đề toàn cầu, do đó hai nước này sẽ tìm cách làm suy yếu vị thế của Mỹ.

"Các mục tiêu cuối cùng của họ có nhiều điểm chung và điều này sẽ còn tiếp diễn. Cả hai nước này đều muốn chống lại Mỹ, dịch chuyển trật tự quốc tế sang một trạng thái ít chịu sự chi phối của Mỹ hơn", chuyên gia này bình luận.