1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đội cận vệ của Tổng thống Nam Phi mang 12 thùng vũ khí đến Ba Lan

Minh Phương

(Dân trí) - Đội ngũ an ninh của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa không được phép rời máy bay và bốc dỡ 12 thùng vũ khí tại sân bay Ba Lan khi họ tháp tùng Tổng thống trong chuyến đi đến Ukraine.

Đội cận vệ của Tổng thống Nam Phi mang 12 thùng vũ khí đến Ba Lan - 1

Các thùng hàng trên máy bay chở đội ngũ an ninh của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (Ảnh: Twitter).

Trang tin Rzeczpospolita của Ba Lan ngày 18/6 đưa tin, Hôm 15/6, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và phái đoàn đã đáp máy bay xuống Warsaw (Ba Lan), trước khi di chuyển đến thủ đô Kiev của Ukraine bằng tàu hỏa.

Ông Ramaphosa đi trên một máy bay riêng, trong khi một máy bay khác chở đoàn tháp tùng 120 người gồm phóng viên, đội cận vệ, lực lượng đặc nhiệm cùng với 12 thùng vũ khí.

Hiện chưa rõ chi tiết những vũ khí mà đội an ninh của Tổng thống Ramaphosa mang theo khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Chopin ở thủ đô Warsaw của Ba Lan tối 15/6. Tuy nhiên, giới chức Ba Lan đã không cho phép họ rời máy bay hay bốc dỡ đồ với lý do "chở hàng hóa nguy hiểm".

"Máy bay mang theo những vũ khí nguy hiểm mà các đại diện Nam Phi vốn không được phép mang lên khoang. Ngoài ra, trên máy bay còn có sự hiện diện của những người mà Ba Lan không được thông báo trước", Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết.

Thông cáo cũng nêu rõ: "Các thành viên của phái đoàn có vũ khí mà họ không được phép mang theo, nhưng họ có thể tự mình rời khỏi máy bay với điều kiện không mang theo vũ khí".

Một nhà báo cho biết, có thể vì những thùng vũ khí này mà trước đó Italy không muốn cho máy bay chở đoàn tháp tùng Tổng thống Nam Phi đi vào không phận.

"Họ rút giấy phép cho máy bay sử dụng không phận, do vậy chúng tôi phải bay 6 vòng qua Địa Trung Hải trước khi tới Warsaw", nhà báo trên cho hay.

Vụ việc gây căng thẳng giữa Ba Lan và Nam Phi. Phía Nam Phi tin rằng họ đã có đầy đủ giấy tờ cần thiết khi nhập cảnh và số vũ khí mang theo được vận chuyển bằng các thùng an toàn trong khoang hành lý của máy bay.

Nam Phi cũng chỉ trích động thái của Ba Lan là thù địch. "Họ đang cản trở chúng tôi, đặt tính mạng Tổng thống của chúng tôi vào tình thế nguy hiểm", ông Wally Rhoode, người đứng đầu cơ quan an ninh của Tổng thống Ramaphosa, nói.

Rốt cuộc, đội ngũ an ninh bị kẹt lại ở Ba Lan một ngày trong khi Tổng thống Ramaphosa cùng một số lãnh đạo châu Phi buộc phải di chuyển đến Ukraine bằng tàu hỏa mà không có đội cận vệ theo cùng.

Văn phòng Tổng thống Ramaphosa mô tả vụ việc là "rất đáng tiếc và vô cùng đáng tiếc", nhưng khẳng định công tác bảo đảm an ninh cho người đứng đầu chính phủ không bị xâm phạm.

Hôm 15/6, đoàn lãnh đạo châu Phi do Tổng thống Ramaphosa dẫn dắt đã bắt đầu sứ mệnh hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Trong các cuộc hội đàm riêng rẽ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin, họ đã đưa ra bản đề xuất hòa bình gồm 10 điểm.

Các đề xuất này bao gồm: Lắng nghe lập trường của Nga và Ukraine; Ngừng các hoạt động thù địch; Đảm bảo chủ quyền của các quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên hợp quốc; Các đảm bảo an ninh; Thỏa thuận về ngũ cốc; Hỗ trợ nhân đạo; Tái thiết hậu xung đột; Trao đổi tù nhân; Hồi hương trẻ em; Hợp tác chặt chẽ hơn với châu Phi.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky khẳng định lại lập trường của Ukraine rằng, hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Putin cho rằng, chính Ukraine đã rút khỏi các cuộc đàm phán. Ông cũng nói, Nga có quyền công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Theo Pravda, Kyiv Independent