1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Độ "vênh" trong cuộc chiến chống IS

Ý tưởng về việc thành lập một liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nêu ra tại Hội thượng đỉnh G-20 xem ra khó thành hiện thực bởi chính sách “hai mặt” của không ít quốc gia với tổ chức khủng bố khét tiếng tàn bạo này.

Độ "vênh" trong cuộc chiến chống IS - 1

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama gặp nhau bên lề Hội nghị G-20 để bàn về cuộc chiến chống IS

Nhằm chặn đứng và tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đề xuất về việc thành lập một liên minh quốc tế từng được đặt ra từ lâu đã một lần nữa được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20) diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-11 tại Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh tổ chức khủng bố này đã tuyên chiến với cả thế giới sau cuộc tấn công khủng bố vào Paris. Ý tưởng này được Tổng thống Pháp Francois Hollande đề xuất bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 khi kêu gọi Mỹ và Nga cùng tham gia liên minh quốc tế chống IS sau vụ tấn công Thủ đô Paris.

Tổng thống Pháp còn cho biết, ông sẽ gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong vài ngày tới để bàn kế hoạch tấn công IS. Tuy nhiên, đề xuất của người đứng đầu nước Pháp xem ra khó thành hiện thực trước mắt bởi sau cuộc gặp bàn về hợp tác chống IS bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 giữa hai Tổng thống Putin và Obama, một quan chức cấp cao của Điện Kremlin cho biết, dù hai nước có “các mục tiêu chiến lược cơ bản tương tự như nhau” nhưng “vẫn có những khác biệt về chiến thuật”.

Như vậy có thể thấy, dù cùng đang huy động một lực lượng quân sự quy mô lớn để không kích IS, song hai cường quốc có vai trò hàng đầu thế giới này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, chứ chưa nói tới hành động chung, để chống lại hiểm họa khủng bố chung. Do còn nhiều khác biệt về quan điểm, lợi ích… nên không chỉ giữa Nga và Mỹ mà các bên liên quan còn có độ “vênh” trong vấn đề chống IS, thậm chí có những thế lực còn đang ngấm ngầm hậu thuẫn cho tổ chức khủng bố này.

Tổng thống Putin đã làm xôn xao dư luận thế giới khi trong phát biểu ngay sau Hội nghị G-20 đã cho biết, Nga đã xác định rằng IS nhận nguồn tài chính từ 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước G-20. Tuy nhiên, đây không phải thời điểm thích hợp để chỉ ra đó là những quốc gia nào bởi hiện sự nỗ lực đoàn kết quốc tế mới là cần thiết để chống lại tổ chức khủng bố này. Song người đứng đầu nước Nga cũng đã cho các nhà lãnh đạo G-20 xem ảnh vệ tinh và chụp từ máy bay về quy mô của hoạt động thương mại xăng dầu bất hợp pháp của IS, trong đó có “đoàn xe hộ tống xe tiếp nhiên liệu kéo dài hàng chục km”.

Cùng ngày 16-11, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề an ninh - quốc phòng (RUSI) cũng cho rằng, mặc dù rất nỗ lực trong suốt 14 năm qua với nhiều biện pháp, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể ngăn chặn thành công nguồn tài chính của khủng bố. Theo đó, cuộc tấn công khủng bố Paris đã cho thấy dường như các nhóm tham gia cuộc tấn công này có một nguồn tiền dồi dào để huấn luyện các tay súng và triển khai tấn công ở nhiều địa điểm khác nhau.

Trước đó, hồi tháng 10 vừa qua, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksandr Bortnikov khẳng định rằng, một vài cường quốc thế giới toan tính lợi dụng đề án nhóm khủng bố IS để giải quyết lợi ích riêng của họ.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô

Độ "vênh" trong cuộc chiến chống IS - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm