1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điều ít biết về Tổng giám đốc WHO Tedros và nhiệm kỳ sóng gió của ông

“Chúng ta có thể yêu cầu Tedros chịu trách nhiệm nhưng hãy nhìn vào thực tế, chưa có 1 Tổng giám đốc WHO nào đối mặt với cuộc khủng hoảng như hiện nay”.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đang có một nhiệm kỳ đầy sóng gió khi không chỉ đối diện với những thách thức cam go từ bản thân đại dịch Covid-19 mà còn những vấn đề chính trị xoay quanh đại dịch này.

Điều ít biết về Tổng giám đốc WHO Tedros và nhiệm kỳ sóng gió của ông - 1

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc ông Tedros "thiên vị Trung Quốc” và không đưa ra cảnh báo sớm với thế giới về một đại dịch nguy hiểm toàn cầu. Trên mạng xã hội, nhà lãnh đạo WHO cũng bị tấn công bằng những hình ảnh phân biệt chủng tộc và những lời lẽ đe dọa.

“Tôi có thể nói với các bạn rằng tôi đã bị công kích cá nhân suốt hơn 2- 3 tháng. Họ dùng những lời lẽ xúc phạm và phân biệt chủng tộc với tôi, thậm chí dọa giết nhưng tôi không quan tâm đến điều đó”, ông Tedros nói với báo giới trong cuộc họp ngày 8/4, đồng thời kêu gọi Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau, và khẳng định: "Nếu các bạn không muốn thấy nhiều túi xác hơn thì hãy dừng chính trị hóa dịch Covid-19".

Ông Tedros trở thành lãnh đạo của WHO vào năm 2017 và là một người châu Phi đầu tiên giữ vị trí này.

Những người ủng hộ ông nói rằng ông là một người tận tụy, cuốn hút và ấm áp, một "nhà lãnh đạo ưu tú". Tuy nhiên, những người chỉ trích ông thì nhận định ông giống một chính trị gia hơn là một người trong ngành y và cho rằng ông có cái tôi quá lớn. Một nữ lãnh đạo y tế phàn nàn rằng ông từng gọi bà là "một trong những lính của tôi" - một điều khiến bà cảm thấy mình bị hạ thấp.

Đối với công việc, ông Tedros đã khẳng định sẽ cải cách WHO và thúc đẩy các chương trình phản ứng khẩn cấp của tổ chức này sau khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Mục tiêu đó được định hình từ chính xuất thân và học vấn của ông.

Ông Tedros lớn lên ở vùng Tigray ở phía bắc Ethiopia. Khi ông đang nghiên cứu về sinh học tại Đại học Asmarra ở Eritrea thì em trai của ông qua đời khi chỉ mới 4 tuổi, nghi là mắc bệnh sởi.

"Tôi không thể chấp nhận điều đó. Thậm chí đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể chấp nhận điều đó", người đứng đầu WHO chia sẻ với tạp chí Time năm 2019, đồng thời bày tỏ về sự "bất công" khi nhiều trẻ em ở Ethiopia tử vong vì không thể tiếp cận hệ thống y tế cơ bản.

Vào những năm 1990, ông Tedros học tiến sĩ tại Đại học Nottingham và nhận bằng thạc sĩ tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London trước khi quay trở về Ethiopia và có những bước tiến trong chính phủ.

Từ năm 2005 - 2012, ông Tedros là Bộ trưởng Y tế Ethiopia trước khi dành 4 năm với vai trò là Ngoại trưởng của nước này.

"Ông ấy rất thông minh, suy nghĩ thấu đáo và có tư duy chiến lược", Matthew Kavanagh - giáo sư về y tế toàn cầu tại Georgetown, Mỹ nhận định.

"Một phần khiến ông Tedros là một nhà lãnh đạo đặc biệt là những kỹ năng chính trị của ông ấy. Và đó là một vấn đề quan trọng bởi y tế cũng là chính trị. Tôi nghĩ chúng ta đều thấy rõ điều này trên trường quốc tế trong năm 2020".

"Chúng ta không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc có một Tổng giám đốc là người châu Phi. Ông ấy có khả năng khiến mọi người lưu tâm hơn đến những vấn đề từng bị xem nhẹ", Clare Wenham, giáo sư về chính sách y tế toàn cầu tại Trường Kinh tế London cho biết.

"Mang thiên hướng chính trị là một đặc điểm quan trọng để biết cách phản ứng cũng như giải quyết các công việc trong một tổ chức có những thách thức tài trợ đáng kể", giáo sư Wenham cho biết.

Bà Wenham cũng nhận định mặc dù những nỗ lực cải cách WHO không tiến xa như một số người kỳ vọng, song tổ chức này đã có những bước tiến trong vấn đề bình đẳng giới và hiện diện rộng rãi hơn dưới sự lãnh đạo của ông Tedros.

Tuy nhiên, hướng tiếp cận "mang tính chính trị" cũng khiến ông Tedros vấp phải chỉ trích.

"Tôi hoàn toàn thất vọng về ông ấy. Ông ấy hoạt động trong chính trị nhiều hơn là bắt tay vào công việc này", một chuyên gia y tế công cộng giấu tên cho biết.

Dù vậy, hầu hết các chuyên gia về y tế đều nhận định rằng ông Tedros là một người phù hợp để lãnh đạo WHO trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay.

"Ông ấy chăm chú lắng nghe, đặt những câu hỏi hợp lý, cân nhắc các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau rồi sử dụng chúng và đưa ra quyết định", David Heymann, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từng làm việc cho WHO cho biết.

"Chúng ta có thể yêu cầu ông ấy phải chịu trách nhiệm nhưng hãy nhìn vào thực tế, chưa từng có một Tổng giám đốc WHO nào phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng như hiện nay. Tôi cho rằng trong phần lớn thời gian, ông ấy đều ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan", giáo sư Wenham nhận định.

Theo Kiều Anh

VOV