1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Điều ít biết về cơ quan tình báo lớn nhất của quân đội Nga

(Dân trí) - Mặc dù chỉ là một thành phần trong lực lượng tình báo rộng lớn của Nga, song Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) vẫn nhận được sự tin tưởng từ Tổng thống Vladimir Putin và cũng là mục tiêu theo dõi của phương Tây.

Trụ sở của GRU tại Moscow, Nga (Ảnh: AFP)
Trụ sở của GRU tại Moscow, Nga (Ảnh: AFP)

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 13/7 đã ra thông báo truy tố 12 sĩ quan tình báo quân sự Nga với cáo buộc xâm nhập vào hệ thống mạng của đảng Dân chủ nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. 12 người bị truy tố là thành viên của Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) thuộc mạng lưới tình báo của Moscow.

Đây không phải lần đầu tiên GRU trở thành mục tiêu cáo buộc của Mỹ liên quan tới các hoạt động tình báo của Nga ở nước ngoài. Hồi tháng 3, giới tình báo Anh từng nghi ngờ các thành viên, hoặc cựu thành viên, của GRU đứng sau vụ tấn công nghi bằng chất độc hóa học tại Anh nhằm vào Sergei Skripal - cựu đại tá tình báo Nga từng làm việc cho GRU.

Cựu lãnh đạo GRU Igor Korobov từng là một trong những người bị chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama trừng phạt hồi tháng 12/2016 vì nghi ngờ có liên quan tới các hoạt động tấn công mạng. Tới tháng 3 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục thông báo các lệnh trừng phạt mới nhằm vào GRU và ông Korobov.

GRU là tên viết tắt của Glavnoye Razvedyvatel’noye Upravleniye, được thành lập từ năm 1920 với tên gọi Cục Điều phối Hoạt động của Các cơ quan Tình báo Quân đội. GRU là cơ quan tình báo quân sự lớn nhất của Nga và là một trong những tổ chức được cấp thẩm quyền do thám giúp chính phủ Nga, theo Dailymail.

Biểu tượng của GRU là hình con dơi sải cánh khắp địa cầu (Ảnh: Dailymail)
Biểu tượng của GRU là hình con dơi sải cánh khắp địa cầu (Ảnh: Dailymail)

Là một trong những cơ quan tình báo lâu đời nhất của Nga, song vai trò của GRU dưới thời Liên Xô không thực sự nổi bật do bị lu mờ trước cơ quan tình báo quyền lực hơn rất nhiều là Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB). Tổng thống Vladimir Putin từng là điệp viên của KGB trong 16 năm trước khi bước chân vào chính trường.

Sau khi Liên Xô tan rã, KGB cũng bị chia thành nhiều cơ quan dưới các tên gọi khác nhau gồm Cục An ninh Liên bang (FSB) và Cục Tình báo Đối ngoại (SVR) song vẫn mang những chức năng và nhiệm vụ như trước. Theo John Barron, nhà báo đồng thời là nhà sử học, GRU gần như phụ thuộc hoàn toàn vào KGB trong thời kỳ Liên Xô.

“GRU không thể tự tuyển mộ bất kỳ ai, dù người đó là nhân viên bình thường hay một điệp viên, nếu chưa có sự cho phép từ trước của KGB. Trong khi đó, KGB có thể sử dụng sức ép để chiêu mộ những người cung cấp thông tin trong đội ngũ nhân sự của GRU. Ngoài ra, KGB có thể phủ quyết bất kỳ đề xuất triển khai nhân sự nào ra nước ngoài của GRU”, ông Barron cho biết.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy GRU đã hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ cho ngành tình báo Nga. Theo John Barron, “gần như tất cả các tùy viên quân sự của Liên Xô đều thuộc GRU và đông đảo các công dân Liên Xô làm việc cho các văn phòng của hãng hàng không Aeroflot (Liên Xô) ở nước ngoài cũng là người của GRU”.

Mạng lưới rộng khắp

Tổng thống Putin nhìn vào biểu tượng của GRU (Ảnh: AFP)
Tổng thống Putin nhìn vào biểu tượng của GRU (Ảnh: AFP)

Theo nhà báo Barron, GRU đào tạo các đặc vụ và sau đó gửi họ ra nước ngoài với vai trò là tùy viên quân sự đại diện cho Liên Xô tại các đại sứ quán. Và một khi đã trở thành người của GRU, các đặc vụ này thường rất khó để có thể rút khỏi mạng lưới.

Phát ngôn viên của Tổng thống Donald Trump, bà Kellyanne Conway, từng nói rằng những lệnh trừng phạt mà chính quyền Barack Obama áp đặt lên các sĩ quan tình báo của GRU là vô tác dụng vì các đặc vụ của GRU không thường xuyên đến Mỹ hoặc có tài sản ở Mỹ. Tuy nhiên, bà Conway có thể đã nhầm. Các lãnh đạo chủ chốt của GRU có thể vẫn ở Moscow, nhưng mạng lưới đặc vụ của cơ quan này ở nước ngoài rất rộng. Họ có thể là các tùy viên quân sự hoạt động trong đại sứ quán Nga ở thủ đô Washington hay Phái bộ Thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc ở New York.

Ngày nay GRU được tin là có mạng lưới đặc vụ rất đông ở nước ngoài. Lực lượng này được xây dựng từ hàng chục năm và cạnh tranh với SVR.

“GRU luôn được xem là cơ quan có năng lực, mạnh bạo và mạo hiểm hơn KGB hay SVR”, Andrei Soldatov, nhà báo Nga chuyên đưa tin về các hoạt động của tình báo Nga, cho biết.

Ông Putin phát biểu tại trụ sở của GRU năm 2006 (Ảnh: AP)
Ông Putin phát biểu tại trụ sở của GRU năm 2006 (Ảnh: AP)

Giới chức phương Tây vẫn luôn tin rằng các đặc vụ của GRU đang hoạt động với vai trò là nhân viên của các đại sứ quán Nga ở nước ngoài. Họ được cho là sẽ sử dụng vỏ bọc ngoại giao để tiến hành các hoạt động tình báo tại nước sở tại.

Đây là lý do khiến chính quyền cựu Tổng thống Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga để đáp trả cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ chỉ vài tuần trước khi ông Obama rời Nhà Trắng năm 2016. Điều này cũng liên quan tới quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga của chính phủ Anh hồi tháng 3 năm nay sau vụ cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc tại Anh. Cũng với lý do tương tự Anh, Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga.

Theo Reuters, GRU được xem là cơ quan tình báo nước ngoài lớn nhất của Nga, vượt xa so với SVR. GRU được cho là có vị thế đặc biệt và lãnh đạo của cơ quan này sẽ báo cáo trực tiếp cho tổng tham mưu trưởng quân đội Nga - một trong 3 người có thể nắm trong tay hệ thống kiểm soát hạt nhân di động của Nga. Các vị trí cấp cao nhất của GRU sẽ do Tổng thống Vladimir Putin trực tiếp bổ nhiệm.

Sau Chiến tranh Lạnh, vai trò của GRU mờ nhạt dần cùng với sự tan rã của KGB. Vào thời điểm năm 2008, GRU đã bị suy yếu nặng nề sau khi vấp phải sự chỉ trích của Tổng thống Putin, một cựu điệp viên KGB, vì vai trò không hiệu quả của cơ quan này trong cuộc xung đột Georgia. GRU sau đó phải trải qua quá trình “cải tổ”, giảm số lượng nhân viên xuống còn 1.000 người và giảm số đơn vị trực thuộc từ 8 xuống còn 5 đơn vị. Ngoài ra, ngân sách dành cho GRU cũng bị cắt giảm đáng kể.

Tuy nhiên, khoảng thời gian khó khăn trên không kéo dài quá lâu. GRU đã giành được thiện cảm từ Tổng thống Putin nhờ vai trò của cơ quan này trong sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Mark Galeotti, chuyên gia về các cơ quan an ninh Nga, viết trên tạp chí Foreign Policy năm 2014 rằng so với hai cơ quan còn lại là FSB và SVR, GRU đã trở thành “vũ khí bí mật” yêu thích của Tổng thống Putin.

“Bây giờ họ (GRU) đã quay trở lại. Họ đã quay trở lại nhờ Putin, người muốn có nhiều cơ quan tình báo xung quanh ông ấy để cạnh tranh lẫn nhau. Và vai trò của họ có thể chồng chéo với vai trò của FSB hay SVR”, một cựu đặc vụ CIA từng hoạt động tại Moscow nói với Daily Beast.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm