1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điều gì chờ đợi Iran sau khi thừa nhận bắn rơi máy bay Ukraine?

Theo các nhà phân tích, những bằng chứng thu thập được sau vụ tai nạn máy bay đã khiến Iran không thể tiếp tục phủ nhận trách nhiệm.

Ngày 11/1, Iran thừa nhận một quả tên lửa của nước này đã bắn trúng máy bay Ukraine trong một “sự cố do con người gây ra”, khiến toàn bộ 176 người thiệt mạng.

Theo thông báo của lực lượng quân sự, chiếc máy bay của Ukraine đã bị nhầm là một "mục tiêu của kẻ thù" giữa bối cảnh quân đội Iran đang ở "mức sẵn sàng cao nhất" trong căng thẳng leo thang với Mỹ.

Đây là sự thừa nhận hiếm hoi của chính phủ Iran, khi mà chỉ vài giờ trước đó họ vẫn vẫn bác bỏ giả thuyết cho rằng nước này đã bắn nhầm chiếc máy bay của Ukraine là một “cuộc chiến tâm lý”.

Điều gì chờ đợi Iran sau khi thừa nhận bắn rơi máy bay Ukraine? - 1

Nhóm cứu hộ tại hiện trường vụ rơi máy bay Ukraine ngày 8/1. Ảnh: Getty

Khía cạnh quốc tế

Sự cố bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu 752 của Hãng hàng không Ukraine sáng 8/1 xảy ra khoảng 4 giờ sau khi Iran nã tên lửa vào các lực lượng Mỹ ở Iraq nhằm đáp trả cuộc không kích của Mỹ giết chết chiến lược gia quân sự hàng đầu nước này – Tướng Qassem Soleimani - 5 ngày trước đó.

Theo giới chức Iran, trong thời điểm cực kỳ căng thẳng đó, một người vận hành hệ thống phòng không của Vệ binh cách mạng Iran đã xác định nhầm chiếc Boeing 737-800.

Các nhà phân tích nói rằng, bằng chứng “áp đảo” thu thập được sau vụ tai nạn đã khiến việc phủ nhận đối với Iran ngày càng khó khăn. Hiện tại Iran phải tính toán những bước đi tiếp theo.

Các nước đã dừng các chuyến bay tới Iran, đồng thời gia tăng sức ép về một cuộc điều tra minh bạch và cặn kẽ.

Ở khía cạnh ngoại giao, một lựa chọn chọn đối với Iran là “việc thừa nhận sai lầm có thể mở ra con đường đối thoại. Tôi nghĩ họ có thể thúc đẩy điều này theo nhiều cách để dẫn tới giảm sự thù địch”, học giả Afshon Ostovar, Chủ tịch liên kết về nghiên cứu tại Trường đào tạo hải quân sau đại học, cho biết.

Cùng với việc thừa nhận, giới chức Iran cũng tìm cách đổ một phần lỗi cho Washington, viện dẫn căng thẳng từ vụ sát hại Tướng Soleimani. “Lỗi con người ở thời điểm khủng hoảng do chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ đã dẫn tới thảm họa này”, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter.

Khía cạnh pháp lý

Ngoài Iran, Ukraine và Canada cũng có công dân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi bồi thường tài chính cho các nạn nhân.

Theo Carl Tobias, chuyên gia luật tại Đại học Richmond, gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn cũng có thể kiện Iran về trách nhiệm pháp lý. Các cáo buộc hình sự và trách nhiệm pháp lý đối với không phận cũng có thể khả thi, dù vấn đề này có thể phức tạp vì các vấn đề liên quan tới quyền tài phán.

Trong một kịch bản tương tự năm 1988, quân đội Mỹ đã bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu 655 của Hãng hàng không Iran khi bay qua eo biển Hormuz, khiến toàn bộ 290 người thiệt mạng. Mỹ ban đầu cũng bác bỏ có liên quan, nhưng sau đó đã thừa nhận rằng, một tàu tuần dương của Hải quân Mỹ đã nhầm chiếc máy bay này là tên lửa của Iran. Mỹ từ chối nhận trách nhiệm pháp lý và cũng không đưa ra lời xin lỗi, khiến Iran nổi giận. Iran nộp đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế và theo một sự dàn xếp, Mỹ đồng ý chi 61,8 triệu USD cho gia đình các nạn nhân.

Học giả Ostovar nói rằng Iran có thể xem lại trường hợp này và nhằm tới việc “tạo sự khác biệt trong phản ứng của họ so với phản ứng của Mỹ. Hoặc theo cách khác, họ sẽ muốn tìm ai đó để “chịu tội thay”.

Hậu quả trong nước

Sự giận dữ ở ngay trong lòng đất nước Iran đã dẫn tới một động thái hiếm hoi là biểu tình phản đối lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) trên đường phố Tehran ngày 11/1.

Theo bà Suzanne Maloney, Phó Giám đốc Chương trình chính sách đối ngoại tại viện Brookings, một trong những điều gây thất vọng nhất là cho dù Iran đã thể hiện sự chính xác, thận trọng và kỹ năng trong cuộc không kích đáp trả Mỹ - không có thương vong nào được báo cáo và điều đó này xem là hành động thấy rõ về ý muốn giảm căng thẳng của Iran – nhưng sau đó lại để xảy ra sự cố ảnh hưởng tới mạng sống của chính các công dân của mình.

Các yếu tố kể trên làm gia tăng quan điểm mà nhiều người Iran đã cảm nhận về chính phủ của họ - điều vốn đã dẫn tới các cuộc biểu tình trong những tháng qua. Thêm vào đó, một số người quy kết việc hàng chục người thiệt mạng trong tang lễ Tướng Soleimani có phần trách nhiệm không nhỏ của chính phủ.

Tất cả những điều này khiến Iran – vốn đang ở bên bờ vực chiến tranh với Mỹ, bị lôi kéo vào một cuộc chiến ủy nhiệm khu vực, bị phong tỏa bởi các cấm vận của Mỹ, bị đánh đố với những tuyên bố tham nhũng - giờ đây phải đang đối mặt với sóng ngầm ngay ở trong nước.

Theo Hoàng Phạm

VOV