1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Iran
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày

Diễn từ Nobel Văn học 2006: Cái va li của cha tôi

Sáng 7-12-2006 vừa qua, tại Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, đoạt giải Nobel Văn học năm nay, đã có bài diễn từ lý giải nhiều quan niệm riêng độc đáo của ông trong bối cảnh chính trị, văn hóa, và xã hội đặc trưng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai năm trước khi mất, cha tôi đưa tôi một chiếc va li nhỏ đựng các trang viết của ông, những bản thảo và sổ ghi chép. Vốn hay đùa và thích châm chọc, ông bảo tôi rằng ông muốn tôi đọc chúng sau khi ông đã đi xa, ý ông là sau khi ông chết.

“Hãy ngó qua”, ông nói với chút lúng túng, “Xem anh có thể dùng được gì. Tôi đi rồi thì có lẽ anh sẽ chọn được một tập mà in ấn”.

Chúng tôi đứng trong phòng tôi, giữa sách là sách. Cha tôi tìm chỗ đặt va li, loay hoay như thể người muốn quẳng gánh nặng. Cuối cùng, ông để nó vào một góc khuất.

Giây phút đó nặng nề đến nỗi cả hai chúng tôi không thể quên, nhưng rồi cũng qua đi, và chúng tôi lại trở về cuộc sống hàng ngày, lại cười đùa bỡn cợt, lại thanh thản.

Cuộc sống vẫn tầm thường như những bê bối triền miên của nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, như những thất bát trong các dự án kinh doanh của cha tôi mà ông vốn chẳng mấy khi buồn.

Tôi nhớ rằng sau khi cha tôi mất, có đến mấy ngày tôi qua lại chỗ cái va li mà không đụng đến nó. Tôi đã quen với cái vật nhỏ bé, bằng da đen, các góc lượn tròn, và có khóa ấy rồi. Cha tôi vẫn hay mang nó theo trong những chuyến đi ngắn và đôi khi dùng nó để đựng tài liệu.

Tôi nhớ rằng khi tôi còn bé, mỗi lúc cha trở về, tôi vẫn lục lọi đồ vật, hít hà mùi nước hoa ngoại. Chiếc va li này là bạn thân, là kỷ niệm thời ấu thơ, thời quá khứ của tôi, nhưng giờ đây tôi lại không dám sờ. Vì sao vậy? Chẳng nghi ngờ gì, chính là vì cái vẻ bí mật của những thứ trong đó.

Tôi sắp nói đến cái ý nghĩa trĩu nặng ấy. Đó là cái mà một người đã giam mình trong phòng kín để sáng tạo ra. Ông ta ngồi vào bàn, nép bên góc khuất mà giãi bày tư tưởng - và đó chính là nghĩa lý của văn học.

Khi tôi đến bên cái va li, tôi không dám mở nó, mặc dù tôi biết cha tôi thường vẫn viết gì trong những cuốn sổ. Tôi từng thấy ông hý hoáy với chúng. Chẳng phải tôi lần đầu nghe nói về cái nội dung hệ trọng trong đó. Cha tôi có một thư viện khá bộn.

Thời trẻ, khoảng cuối thập kỷ 1940, ông từng muốn trở thành thi sĩ, từng dịch thơ Valery sang tiếng Thổ. Nhưng rồi ông đã từ bỏ lối sống gắn với thi ca trong một đất nước nghèo và ít độc giả như Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông nội tôi từng là một doanh nhân giàu có; cha tôi từng sống thời trẻ khá sung túc, do vậy ông không muốn lao tâm khổ tứ theo đuổi văn chương. Ông yêu cuộc sống với nhiều vẻ đẹp phàm tục, tôi hiểu.

…Nhà văn là người kiên nhẫn nhiều năm phát hiện ra cái con người thứ hai trong mình, tìm thấy cái thế giới trong đó mình là mình. Khi tôi nói về văn chương, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi không phải tiểu thuyết, thơ ca, hay văn vẻ gì, mà chính là hình ảnh một người cặm cụi trong phòng kín, đào bới chính mình.

Bên cái bóng của chính mình, anh ta dựng nên một thế giới mới bằng ngôn từ, dù dùng máy chữ, gõ bàn phím, hay viết tay như tôi suốt 30 năm nay. Nhà văn ấy có thể hút thuốc, uống chè, hay cà phê, thỉnh thoảng lại đứng lên nhìn ra cửa sổ, xem lũ trẻ chơi đùa trên phố, và nếu may mắn anh ta có thể thấy cây cối hay bức tường xám.

Anh ta có thể làm thơ, viết tiểu thuyết, hay sáng tác kịch giống tôi. Mọi sự khác nhau chỉ từ cái nhiệm vụ cốt tử là còng lưng đào xới bản thân. Viết, tức là biến cái đắm đuối nội tâm thành câu chữ, là khám phá cái thế giới mình tương tác với mình, cần mẫn, ương ngạnh, và say sưa.

Khi tôi ngồi vào bàn, thì dù ngày tháng bao nhiêu, chữ nghĩa gò gẫm thế nào, tôi vẫn cảm thấy như thể mình đang tạo ra cả một thế giới mới, như thể tôi đang sinh ra một kẻ khác bên trong tôi, giống như ai đó xây nhà, xây cầu từ từng viên gạch nhỏ.

Gạch đá nhà văn vẫn dùng chính là từ ngữ. Như thể chúng ta cầm được, cảm được cái cách chúng kết nối với nhau, đôi khi ngắm chúng từ xa, lúc khác lại vuốt ve chúng bằng những đầu ngón tay hay ngọn bút, cân nhắc chúng, sắp đặt chúng, có khi nhiều năm ròng, nhẫn nại và hy vọng, chúng ta sáng tạo ra thế giới mới.

Bí mật của nhà văn không phải là cảm hứng - cái đó thì có trời hiểu - mà chính là tính ương ngạnh của anh ta. Người Thổ có một câu đáng yêu: Đào giếng bằng kim, mà dường như đối với tôi thì rất đúng cho các nhà văn.

Trong văn học cổ, tôi rất thích chàng Ferhat kiên trì, dám đào đường xuyên núi để tìm người tình. Trong tiểu thuyết Tên tôi là Đỏ, khi viết về những nhà tiểu họa Ba Tư, những người hết năm này qua năm khác vẽ một kiểu ngựa, đến mức nhắm mắt cũng có thể vẽ được những con ngựa đẹp long lanh, thì tôi hiểu mình đang viết về chính nghề văn của mình.

Nếu một nhà văn phải kể chuyện của chính mình, xin hãy kể chậm, kể như thể đó là chuyện của người khác - nếu anh ta phải quản lý năng lượng câu chuyện đang dậy lên trong đầu, nếu phải gò gẫm khuôn mình vào những dòng chữ liêu xiêu này, thì điều đầu tiên phải có chính là niềm hy vọng.

Thiên thần cảm hứng (cái thứ rất thất thường) rất thích ai hy vọng và liều lĩnh. Và khi nhà văn cô đơn, lụi cụi ngồi mơ về những điều có giá trị, quyết viết nên câu chuyện độc nhất vô nhị, chính là lúc vị thần ấy đang lần mò tìm đến, giúp anh ta chọn được hình ảnh và mạch nối để dựng nên thế giới anh ta mơ mòng.

Khi nghĩ về những cuốn sách từng lao tâm khổ tứ cả đời, tôi thường vẫn ngạc nhiên, không hiểu điều gì đã giúp mình chọn được những câu chữ mê ly đến thế.

Tôi sợ mở cái va li của cha, bởi tôi biết rằng ông từng không thích kiểu vò đầu bứt tai của tôi, mà chỉ thích chơi bời giao du bạn bè, bỡn cợt người nọ người kia vui vẻ. Nhưng rồi tôi bỗng thử nghĩ khác, biết đâu mình thành kiến với cha, biết đâu mình thiển nghĩ, hẹp hòi.

Có rất nhiều nhà văn chói sáng vẫn viết được dù bị vây giữa đám đông ồn ào hay dù phải lo chuyện cơm áo bù đầu. Hơn nữa, hồi trước cha tôi từng mệt mỏi với nếp sống gia trưởng trong nhà, nên thường vẫn kiếm cớ đi Paris, chui vào các khách sạn ngồi viết lách sáng tác.

Tôi cũng biết nội dung một hai cuốn sổ, vì trước kia thỉnh thoảng ông vẫn mang chúng đến trước mặt tôi ngồi đàm đạo chuyện đời.

Ông nói về quá khứ, nhưng ít đề cập đến tâm sự bản thân, ít đi sâu vào những khía cạnh ông từng trăn trở trong những khách sạn, chỉ kể chuyện ông từng ngắm Sartre dạo bộ trên vỉa hè, kể nội dung những cuốn sách ông đọc, những cuốn phim mới chiếu, những tin tức hay bè bạn chân thành.

Khi tôi trở thành nhà văn, lúc nào tôi cũng nhớ mình đã có một người cha thích kể chuyện văn chương hơn chuyện những ông tổng trấn hay thủ lĩnh tôn giáo hợm hĩnh.

Do vậy, có lẽ tôi phải đọc tâm sự của ông với lòng biết ơn, và đôi chút tự hào vì có một người cha am hiểu. Tôi phải thấy rằng cũng giống như tôi, cha thích cô đơn với văn chương chữ nghĩa, chứ chẳng mấy bận lòng vì chất lượng mình viết đạt đến cỡ nào.

Nhưng khi tôi ngắm nghía cái va li, tôi lại phát hiện thêm một điều, rằng nếu cha tôi từng trăn trở với văn chương sách vở như thế, thì liệu cha có là một người hay bị giày vò không? Giờ đây, sau nhiều năm trải nghiệm, tôi hiểu được rằng chính những sự giày vò mới là đặc điểm cốt yếu để biến ai đó thành một nhà văn.

Để thành nhà văn, chỉ cần cù và kiên nhẫn thôi thì chưa đủ, trước hết chúng ta phải cảm thấy bị thúc bách phải rời khỏi đám đông, rời khỏi hoàn cảnh đời thường, để chui đầu vào một nơi yên tĩnh.

Chúng ta muốn sáng tạo ra những thế giới sâu sắc, nhưng chính khao khát được đứng riêng mới buộc chúng ta phải hành động. Điều này chính là đang báo có một nhà văn độc lập, người đọc, viết, và lắng nghe chỉ với chính mình, khai sáng chính mình trước khi nghĩ đến người khác, và đó chính là hiện thân của một Montaigne của văn chương hiện đại.

Montaigne là nhà văn cha tôi nói đến thường xuyên, và ông khuyên tôi nên đọc thật kỹ. Tôi cũng thích xem mình như thuộc về kiểu nhà văn truyền thống, dù Đông hay Tây, những người không đứng lẫn vào đám đông, và suốt đời viết xóa trong phòng kín. Vâng, điểm khởi đầu của văn chương chính là một người chui vào phòng kín với cuốn sách của mình.

Nhưng có lần tôi chui vào phòng mà phát hiện ra mình không cô đơn như mình tưởng. Hóa ra tôi vẫn dùng lời của những người đi trước, vẫn chịu ảnh hưởng của những câu chuyện, những cuốn sách của tiền nhân, và chúng ta gọi đó là truyền thống.

Tôi tin văn học là kho đụn có giá trị nhất loài người gom góp được để hiểu chính mình. Xã hội, bộ lạc, hay các cộng đồng ngày càng trí thức thêm, giàu có lên, nhiều triển vọng hơn khi con người ngẫm nghĩ sâu về lời lẽ của các tác giả.

Và như chúng ta đều biết, sự đốt sách và phỉ báng nhà văn chính là dấu hiệu của bóng tối và u mê. Nhưng văn học không bao giờ đơn thuần chỉ là mối quan tâm trong phạm vi nhỏ.

Khi nhà văn đóng cửa lại, ngồi viết sách kể lại hành trình xuyên qua chính mình, anh ta phát hiện ra cái quy tắc vĩnh hằng: phải kể chuyện mình như thể đó là chuyện của người khác, và chuyện người khác lại như chuyện của chính anh ta. Văn chương là vậy. Nhưng đầu tiên ta phải đọc người khác trước đã.

Cha tôi có một thư viện khá lớn, khoảng 1.500 cuốn sách, hơn cả nhu cầu của một nhà văn. Khoảng năm 22 tuổi, tôi có lẽ đã không đọc hết chúng, nhưng lại quen mặt từng cuốn một - tôi biết cuốn nào quan trọng, cuốn nào xoàng nhưng dễ đọc, cuốn nào kinh điển...

Cha tôi đánh giá cao sách Pháp. Đôi khi tôi ngắm sách từ xa và tưởng tượng một ngày, trong một ngôi nhà khác, tôi sẽ xây dựng một thư viện cho riêng mình, thậm chí to hơn, một thế giới của riêng tôi.

Khi tôi ngắm sách của cha tôi từ xa, tôi thấy chúng giống một thế giới thu nhỏ, nhưng là một thế giới nhìn từ góc độ Istanbul. Cha tôi thường mua sách Pháp và Mỹ, nhưng cũng mua cả sách Thổ Nhĩ Kỳ, của những người bán sách già trên đường phố.

Thế giới đó pha trộn giữa địa phương, dân tộc, và phương Tây. Đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tôi bắt đầu xây dựng thư viện riêng với đôi chút tham vọng. Tôi không hẳn muốn trở thành nhà văn, như đã kể trong cuốn Istanbul, tôi cũng không còn hy vọng trở thành họa sĩ nữa, nhưng vẫn chưa biết mình sẽ phải làm gì.

Tôi hơi tò mò, một chút ước muốn được đọc và học, nhưng cứ mặc cảm mình không bằng người khác. Đấy cũng là do mải ngắm thư viện của cha, chúng tôi sống ở Istanbul, xa các trung tâm văn minh, nên cứ có cảm giác mình rất tỉnh lẻ.

Một lý do nữa là đất nước tôi ít chú ý đến các nghệ sĩ, cả nhà văn lẫn họa sĩ, nên họ sống khá vô vọng. Khi tôi được cha cho tiền, tôi tham lam mua đủ mọi loại sách vỉa hè, qua đó hiểu thêm được nhiều giá trị đi kèm bên mỗi trang sách mở.

...Hai mươi ba năm trước khi cha tôi đưa cái va li cho tôi, và bốn năm sau khi ở tuổi 22, tôi quyết định trở thành nhà tiểu thuyết, giam mình trong phòng viết cuốn đầu tiên Cevdet Bey và các con trai, tôi hoàn thành cuốn sách, run run đưa bản thảo cho cha để chờ xin ý kiến.

Không chỉ vì tôi tin trí thức và khả năng thẩm định khá có gu của ông, mà còn bởi ông là rất quan trọng đối với tôi, ông không cấm tôi trở thành nhà văn, như mẹ tôi vẫn thường ì xèo.

Cầm tập bản thảo, ông phải đi xa mất hai tuần. Tôi kiên nhẫn chờ đợi. Khi ông về, tôi ra mở cửa. Cha tôi không nói gì, chỉ lập tức choàng tay qua vai tôi như muốn nói với tôi rằng, ông thích nội dung cuốn sách. Chúng tôi cùng lặng đi một lúc vì cảm động.

Đến khi cha con nói chuyện lại được bình thường, ông dùng những lời nồng nhiệt có chút hào phóng để biểu thị niềm tin tưởng vào tôi. Ông bảo một ngày nào đó, tôi sẽ đoạt giải thưởng mà tôi đang có mặt ở đây để đón nhận với niềm hạnh phúc to lớn.

Ông nói điều này không phải để thuyết phục tôi rằng ông có con mắt nhìn xa, hay để thúc giục tôi nhắm đến cái đích đó.

Ông nói điều này giống như một người cha Thổ Nhĩ Kỳ, đưa một chỗ dựa cho con trai, khích lệ anh ta bằng câu “Sẽ có ngày con trở thành tổng trấn”. Cứ thế trong nhiều năm, mỗi khi gặp tôi, cha tôi lại khuyến khích tôi bằng những lời tương tự.

Cha tôi mất hồi tháng 12 năm 2002.

Hôm nay, tôi đứng đây, trước Viện Hàn lâm Thụy Điển và các thành viên tôn kính, những người đã quyết định trao tôi phần thưởng cao quý - vinh dự lớn lao - và các vị khách đầy cảm mến, tôi thực lòng mong ước một điều: Giá mà cha tôi còn có mặt giữa các bạn.

Theo Lã Thanh Tùng
Tiền phong