1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điểm “lệch pha” có thể khiến đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ

(Dân trí) - Các cuộc đàm phán nhằm kết thúc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ đổ vỡ vì Mỹ được cho là yêu cầu mọi cam kết bằng lời nói của Bắc Kinh về việc cải tổ cơ cấu nền kinh tế phải được thể hiện dưới dạng văn bản trong thỏa thuận thương mại cuối cùng. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại không thể thực hiện điều này.

Điểm “lệch pha” có thể khiến đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ - 1

(Ánh minh họa: Bloomberg)

SCMP dẫn lời ông Shi Yinhong, cố vấn Ủy ban Nhà nước Trung Quốc, giáo sư về quan hệ đối ngoại với Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, Mỹ đã gây áp lực buộc Trung Quốc phải thay đổi các vấn đề có tính hệ thống trong cơ cấu nền kinh tế nước này như việc ngừng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Ông Shi cho rằng những thay đổi này rất khó để đồng thuận trong thỏa thuận thương mại nhưng Bắc Kinh cũng không thể thẳng thừng từ chối.

“Trung Quốc muốn đưa ra những nhượng bộ quy mô nhỏ hơn, hy vọng ông Mỹ sẽ đồng ý. Tuy nhiên, ông Trump không đồng tình với điều này. Mỹ yêu cầu mọi vấn đề mà Trung Quốc hứa (bằng lời nói) sẽ thực hiện về mặt nguyên tắc phải được đưa vào thỏa thuận thương mại nhưng Bắc Kinh lại không tán thành”, ông Shi nói.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo tăng thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10 lên 25%, Bắc Kinh cho biết họ sẽ không có thêm nhượng bộ nào cho Washington trong cuộc đàm phán kế tiếp.

Một giáo sư công tác tại Viện Khoa học Trung Quốc, đồng thời là cố vấn cấp cao của ban lãnh đạo nước này, nói rằng những yêu cầu của Mỹ về việc hủy bỏ cơ chế trợ cấp cho các ngành công nghiệp và công ty quốc doanh, làm ảnh hưởng tới mô hình phát triển của Bắc Kinh.

“Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ hướng phát triển và điều đây sẽ là hành động “tự tử”. Cân nhắc những điểm được và mất, Trung Quốc thà chấp nhận việc Mỹ tăng thuế lên mốc 25%. Trung Quốc sẽ không từ bỏ lợi ích chỉ vì mục đích đạt được thỏa thuận thương mại. Bắc Kinh có thể chịu được những hậu quả và đã chuẩn bị cho kịch bản đàm phán thất bại”, giáo sư trên cho hay.

Trước đó, Wall Street Journal (WSJ) từng dẫn nguồn thạo tin nói quan điểm của Mỹ là việc Trung Quốc cần phải thay đổi cấu trúc nền kinh tế để 2 bên đạt được thỏa thuận, nhưng Bắc Kinh phản đối điều này.

Austin Lowe, một nhà phân tích tại Washington cho rằng sự khác biệt giữa 2 hệ thống pháp lý và hiến pháp khiến 2 nước khó lòng có thể đạt được thỏa thuận liên quan tới các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Ông Lowe cho rằng luật pháp của Trung Quốc thường “mơ hồ” hơn khi so sánh với Mỹ.

Chuyên gia này cho rằng nếu Mỹ kỳ vọng những thay đổi đáng kể về mặt lập pháp từ Trung Quốc thì họ có thể sẽ thất vọng.

Từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng phát hồi giữa năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã có một số thay đổi về luật tài sản sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng luật của Trung Quốc còn quá chung chung ở nhiều điểm, làm dấy lên quan ngại về việc Bắc Kinh có thi hành nó một cách nghiêm túc hay không.

Đức Hoàng

Theo SCMP