1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điểm lại những lần Chính phủ Mỹ đóng cửa

Chính phủ liên bang Mỹ đã phải ngừng hoạt động tổng cộng 18 lần kể từ năm 1976, và có năm, chính phủ Mỹ phải đóng cửa tới 3 lần.

1976: Ngừng hoạt động trong 11 ngày (30/9-11/10)


1976: Ngừng hoạt động trong 11 ngày (30/9-11/10)

Lấy lý do mất kiểm soát chi tiêu, Tổng thống Gerald Ford bác bỏ dự luật cấp tiền cho Bộ Lao động, Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi xã hội (HEW), dẫn tới việc chính phủ phải ngừng hoạt động một phần. Vào ngày 1/10, đảng Dân chủ - kiểm soát Quốc hội - gạt bỏ phủ quyết của Tổng thống, song mãi tới 11/10 mới thông qua được một dự luật để chấm dứt lỗ hổng ngân sách cho một số cơ quan của chính phủ và đưa nó thành luật.

1977: Ngừng hoạt động 12 ngày (30/9-13/10)

Hạ viện - do Đảng Dân chủ kiểm soát, tiếp tục ủng hộ lệnh cấm sử dụng tiền của chương trình Medicaid (chương trình y tế dành cho các gia đình và cá nhân có thu nhập thấp) để thanh toán chi phí nạo phá thai, ngoại trừ trường hợp sinh mạng người mẹ bị đe dọa.

Trong khi đó, Thượng viện, cũng do đảng Dân chủ kiểm soát, lại thúc ép nới lỏng lệnh cấm để chu cấp cho các vụ nạo phá thai trong trường hợp bị cưỡng hiếp hoặc có thai giữa hai người cận huyết. Lỗ hổng ngân sách xuất hiện khi hai viện bất đồng về vấn đề này và dẫn tới việc chính phủ phải ngừng hoạt động một phần. Thỏa thuận tạm thời được thông qua để việc cấp tiền được khôi phục qua ngày 31/10/1977, cho Quốc hội có nhiều thời gian hơn để giải quyết bất đồng.

1977: Ngừng hoạt động 8 ngày (31/10 - 9/11)

Thỏa thuận cấp ngân sách tạm thời trước đó đã kết thúc. Tổng thống Jimmy Carter ký thỏa thuận ngân sách thứ hai, tạo thêm thời gian để thương thuyết.

1977: Ngừng hoạt động 8 ngày (30/11-9/12)

Thỏa thuận cấp ngân sách tạm thời lần thứ hai hết hiệu lực. Hạ viện kiên quyết phản đối Thượng viện trong nỗ lực cấm dùng ngân sách của Medicaid để thanh toán phí nạo phá thai cho nạn nhân bị hiếp dâm. Cuối cùng, Thượng viện và Hạ viện cũng đi tới một thỏa thuận cho phép dùng Medicaid để thanh toán phí nạo phá thai xuất phát từ những vụ cưỡng hiếp, thai giữa hai người cận huyết hoặc trong trường hợp tính mạng của bà mẹ bị đe dọa.

1978: Ngừng hoạt động 18 ngày (30/9-18/10)

Cho rằng đó là lãng phí, Tổng thống Carter bác bỏ dự luật phân bổ ngân sách cho các hoạt động công và dự luật quốc phòng (cấp tiền cho tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân). Chi tiêu cho Bộ Lao động, Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi xã hội (HEW) cũng bị trì hoãn do bất đồng liên quan tới việc dùng tiền của Medicaid để thanh toán phí nạo phá thai.

1979: Ngừng hoạt động 11 ngày (30/9-12/10)

Chống lại sự phản đối ở Thượng viện, Hạ viện vẫn tích cực thúc đẩy tăng lương cho thành viên Quốc hội và công chức là 5,5%. Hạ viện cũng tìm cách hạn chế chi tiêu liên bang đối với các vụ nạo phá thai, chỉ trang trải các trường hợp khi sinh mạng người mẹ bị đe dọa, trong khi Thượng viện vẫn muốn duy trì việc cấp tiền cho các vụ nạo phá thai với những trường hợp bị hiếp dâm và thai giữa hai người cận huyết.

1981: Ngừng hoạt động 2 ngày (20/11-23/11)

Tổng thống Ronald Reagan thề sẽ bác bỏ bất cứ dự luật chi tiêu nào không tính đến ít nhất một nửa trong số 8,4 tỷ USD cắt giảm ngân sách trong nước mà ông đề xuất. Dù đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện đã thông qua một dự luật đáp ứng chỉ thị này của Tổng thống thì Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát vẫn khăng khăng rằng cần cắt giảm quốc phòng nhiều hơn mức Tổng thống muốn và phải tăng lương cho nghị sĩ, công chức.

Một dự luật thỏa hiệp được đưa ra sau vẫn chưa đạt được mức cắt giảm mà Tổng thống Reagan yêu cầu (2 tỷ USD), vì thế, Tổng thống bác bỏ dự luật, đóng cửa chính phủ liên bang. Một dự luật tạm thời được thông qua vào 15/12 và cho Quốc hội thêm thời gian để tìm ra một thỏa thuận lâu dài.

1982: Ngừng hoạt động 1 ngày (30/9-2/10)

Quốc hội thông qua dự luật chi tiêu cần thiết chậm một ngày.

1982: Ngừng hoạt động 3 ngày (17/12-21/12)

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm muốn cấp ngân sách cho vấn đề việc làm song Tổng thống Reagan thề sẽ bác bỏ bất cứ một dự luật nào như vậy. Hạ viện cũng phản đối kế hoạch cấp tiền cho tên lửa MX. Chính phủ hoạt động trở lại sau khi Quốc hội từ bỏ kế hoạch về việc làm, song Tổng thống Reagan buộc phải nhượng bộ đối với kế hoạch về tên lửa MX và Pershing II. Ông cũng phải đồng ý cấp ngân sách cho cơ quan dịch vụ pháp lý (cơ quan mà ông muốn thủ tiêu) để đổi lại viện trợ lớn hơn cho Israel.

1983: Ngừng hoạt động 3 ngày (10-14/11)

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát, tăng ngân sách cho giáo dục song cắt giảm chi tiêu viện trợ nước ngoài và quốc phòng. Điều này dẫn tới bất đồng với Tổng thống Reagan. Rốt cuộc, Hạ viện phải giảm ngân sách giáo dục đề xuất đồng thời chấp nhận dành ngân sách cho tên lửa MX. Tuy nhiên, cắt giảm chi tiêu với viện trợ nước ngoài và quốc phòng vẫn giữ nguyên. 

1984: Ngừng hoạt động 2 ngày (30/9-3/10)

Hạ viện muốn liên kết ngân sách của gói chống tội phạm được Tổng thống Reagan ủng hộ với gói dự án về nước mà người đứng đầu đất nước phản đối. Thượng viện cũng ràng buộc ngân sách với các biện pháp về quyền dân sự (vốn được đưa ra để lật ngược vụ Grove City - Bell). Tổng thống Reagan đề xuất thỏa hiệp, theo đó, ông bỏ gói chống tội phạm để đổi lại việc Quốc hội cũng từ bỏ đề xuất. Hai phía không đạt được thỏa thuận nhưng gia hạn chi tiêu 3 ngày được thông qua.

1984: Ngừng hoạt động 1 ngày (3/-5/10)

Gia hạn chi tiêu 3 ngày hết hiệu lực dẫn tới việc chính phủ phải ngừng hoạt động. Quốc hội từ bỏ gói đề xuất ngân sách cho nước và quyền dân sự trong khi Tổng thống Reagan vẫn giữ được yêu cầu của mình.

1986: Ngừng hoạt động 1 ngày (16-18/10)

Bất đồng về một loạt vấn đề giữa đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện với Tổng thống Reagan và đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện buộc chính phủ liên bang phải ngừng hoạt động. Đảng Dân chủ nắm Hạ viện đã bỏ khá nhiều yêu cầu để đổi lấy phiếu ủng hộ với gói phúc lợi xã hội.

1987: Ngừng hoạt động 1 ngày (18-20/12)

Đảng Dân chủ, nắm cả Hạ viện và Thượng viện, phản đối chu cấp tiền cho các nhóm phiến quân Nicaragua và muốn Ủy ban truyền thông liên bang bắt đầu tái thực thi Học thuyết công bằng.

1990:Ngừng hoạt động 4 ngày (5-9/10)

Tổng thống Bush thề bác bỏ bất cứ dự luật nào không gắn với các gói cắt giảm thâm hụt, và ông đã làm đúng như vậy khi một dự luật được đặt lên bàn làm việc. Hạ viện không thể phớt lờ sự phủ quyết này và dẫn tới chính phủ phải ngừng hoạt động. Sau đó, Quốc hội thông qua một dự luật tiếp nối có kèm cắt giảm thâm hụt và ông Bush đã phê chuẩn để chấm dứt tình trạng tê liệt của chính phủ.

1995: Ngừng hoạt động 5 ngày (13-19/11)

Trong thời điểm chính phủ Mỹ ngừng hoạt động vào năm 1995 và 1996, Tổng thống Bill Clinton bác bỏ nghị quyết mà Quốc hội - do đảng Cộng hòa kiểm soát, thông qua. Sau đó, một thỏa thuận ra đời, cho phép cấp 75% ngân sách trong 4 tuần và Tổng thống Clinton đồng ý lịch trình 7 năm để có một ngân sách cân bằng

1995 Ngừng hoạt động 21 ngày (16/12-6/1)

Sau thỏa thuận trên, đảng Cộng hòa yêu cầu Tổng thống phải đề xuất một ngân sách cho lịch trình 7 năm, có dùng các số liệu của cơ quan ngân sách quốc hội thay vì các số liệu của văn phòng quản lý và ngân sách trực thuộc văn phòng Tổng thống. Tuy nhiên, ông Bill từ chối. Rốt cuộc, Quốc hội và Tổng thống nhất trí thông qua một ngân sách thỏa hiệp.

2013: Vẫn đang ngừng hoạt động

Do bất đồng liên quan tới Đạo luật chăm sóc sức khỏe có thể chi trả, chính phủ không thông qua dự luật ngân sách. Các cuộc thương thuyết phải ngừng lại và chính phủ vẫn đang ngừng hoạt động.
Theo Hoài Linh
Vietnamnet.vn