Dịch bệnh căng thẳng, bệnh nhân Covid-19 Thái Lan chết trên đường phố
(Dân trí) - Các bệnh viện tại Thái Lan đang đối mặt với sức ép rất lớn do số ca nhiễm tăng vọt trong làn sóng Covid-19 mới.
Thanapon Songput, một nhân viên tại tổ chức phi lợi nhuận Mirror Foundation, đã xoay sở để cung cấp bình dưỡng khí cho bệnh nhân Covid-19 quanh thủ đô Bangkok của Thái Lan trong suốt một tháng qua.
Tổ chức này đã phân phối 90 bình dưỡng khí cho khoảng 15 bệnh nhân mỗi ngày, nhưng nhu cầu quá lớn khiến những nỗ lực của họ gần như vô ích.
Thanapon cho biết một bệnh nhân đã chết sau khi gọi điện để cầu xin sự giúp đỡ.
"Chúng tôi không bao giờ có thể làm việc đủ nhanh. Chúng tôi đề nghị cô ấy đợi, nhưng đã quá muộn", Thanapon nói.
Khi Bangkok quay cuồng trong làn sóng Covid-19 thứ 3 do sự hoành hành của biến thể Delta, các nhóm tình nguyện đã tham gia hỗ trợ những người bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh hệ thống y tế Thái Lan trên bờ vực sụp đổ.
Ngay cả các trung tâm tiếp nhận thông tin y tế do chính phủ điều hành cũng bị quá tải, khi những cuộc gọi đến không được trả lời hoặc xe cấp cứu không được điều động để hỗ trợ bệnh nhân, khiến tình hình càng thêm tuyệt vọng.
Các tình nguyện viên và các nhóm dân sự đã tự thiết lập quy trình sàng lọc bệnh nhân, trung tâm tiếp nhận cuộc gọi và mạng lưới nhân viên cứu trợ của riêng họ để lấp đầy những lỗ hổng do hệ thống y tế bị quá tải, bao gồm cả việc vận chuyển bệnh nhân đến các trung tâm xét nghiệm Covid-19 hoặc bệnh viện dã chiến.
Zendai là một trong những nhóm được thành lập để hỗ trợ người dân điều trị. Người đồng sáng lập Chris Potranandana cho biết Zendai, có nghĩa là "sợi chỉ" trong tiếng Thái, hoạt động như một nền tảng liên kết các bệnh nhân với hệ thống y tế.
Kể từ khi được thành lập vào tháng 4, Zendai đã xử lý khoảng 2.000 cuộc gọi mỗi ngày và đăng ký khoảng 13.000 bệnh nhân vào cơ sở dữ liệu của mình. Cơ sở này sẽ được sử dụng để kết nối với hệ thống y tế của chính phủ nhằm theo dõi nhanh việc nhập viện của bệnh nhân.
Anukool Saibejra, một quản lý của Zendai, cho biết chính phủ không thể hỗ trợ hiệu quả cho các bệnh nhân vì hệ thống cơ sở dữ liệu của chính phủ không đủ toàn diện hoặc linh hoạt.
"Chúng tôi không muốn bất cứ ai phải chết chỉ vì họ không thể tìm thấy xe cấp cứu hoặc không thể liên lạc với các trung tâm hỗ trợ của chính phủ. Chúng tôi biết có nhiều trường hợp bệnh nhân chết tại nhà vì họ được thông báo là không có đủ giường bệnh", Anukool cho biết.
Thái Lan ngày 23/7 ghi nhận thêm 14.575 ca nhiễm và 114 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 467.000 người và số người chết lên 3.811 người.
Giới chức y tế cảnh báo số ca nhiễm tại Thái Lan có thể lên tới 30.000 người/ngày. Từ ngày 1/4-21/7, hơn 120.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận tại Bangkok, chiếm 1/4 trong tổng số 424.269 ca nhiễm được ghi nhận trên cả nước trong thời gian đó.
Thủ đô Bangkok gần như phong tỏa hoàn toàn, trong khi bệnh nhân Covid-19 được phát hiện chết ngay trên đường phố. Giới chức y tế cảnh báo kịch bản tồi tệ nhất của làn sóng Covid-19 thứ 3 vẫn chưa xảy ra.
Khi khủng hoảng dịch bệnh tại Thái Lan ngày càng gia tăng, bệnh nhân ngày càng khó được điều trị. Gần 10 bệnh viện lớn ở Bangkok trong tuần này cho biết họ không thể tiếp nhận thêm bất kỳ bệnh nhân mới nào ngoại trừ những trường hợp cấp cứu. Ngay cả các bệnh viện dã chiến cũng đã hoạt động hết công suất.
Bệnh viện Đại học Thammasat ngày 23/7 cho biết theo tiêu chí mới, những bệnh nhân từ 75 tuổi trở lên cũng như những bệnh nhân ở giai đoạn cuối của Covid-19 sẽ không còn được điều trị đặt nội khí quản.
"Hiện tại, hệ thống y tế của Thái Lan đang hỗn loạn, rối ren và không thể quản lý được. Mọi người hãy tự chăm sóc bản thân mình. Hiện bệnh viện đang bị đe dọa trên bờ vực sụp đổ", Bệnh viện Đại học Thammasat cho biết trong một bài đăng trên Facebook.