1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Diana - công nương muôn thuở trong tim người Anh

Mọi việc chuẩn bị cho đám cưới hoàng gia đã hoàn tất. Hôm nay, 9/4, vị hôn thê mới của Thái tử Charles sẽ ra mắt bàn dân thiên hạ: Công tước vùng Cornwall - Camilla Parker Bowles. Song với nhiều người dân Anh, hình ảnh Công nương Diana vẫn luôn là một biểu tượng đẹp.

Cô được xem là biểu tượng của thế kỉ 20 làm mủi lòng người dân nhiều nhất với cuộc hôn nhân hoàng gia chưa hạnh phúc kéo dài hơn bảy năm.

 

Bất chấp những quan hệ nhiều năm với người sẽ trị vì nước Anh, Parker Bowles bị báo chí nước này cũng như công chúng đánh giá “yếu thế” hơn Công nương Diana rất nhiều. Nhiều người mến mộ Diana đã gọi mẹ kế của hoàng tử William và Henry là “Cowmilla” (chữ “cow” có nghĩa là con bò).

 

Có lẽ vì thế mà Paker Bowles không dám tự tin với danh hiệu “Hoàng hậu nước Anh” khi Thái tử Charles đăng quang. Trong một phát biểu mới đây, bà cho biết muốn giữ lại tước hiệu Công tước vùng Cornwall nếu như lập pháp không bắt buộc cô phải thừa nhận chức Hoàng hậu.

 

Vị hôn thê 57 tuổi của Thái tử Charles không được đánh giá cao về tài lẫn sắc. Diana trước khi qua đời đã để lại một vẻ đẹp thanh xuân nhưng trên hết vẫn là hình ảnh một bà mẹ yêu thương con, một nhà hoạt động từ thiện không mệt mỏi.

 

Người ta không phủ nhận Parker là “nàng thơ” đầu tiên của Thái tử Charles và là người tình vào-ra qua nhiều thập kỉ; nhưng họ cũng không quên một Diana Spencer 19 tuổi chợt rạng ngời như ánh bình minh vào ngày đính hôn với vị vua tương lai vào 1981.

 

Cái chết của Diana ở tuổi 36 làm cho nhiều người luyến tiếc để rồi họ chào vĩnh biệt cô bằng cái tên “Đóa hồng nước Anh”, như lời ca khúc Candle In the Wind mà Elton John viết tặng Diana trong ngày đám tang. 

 

Hơn 20 thành viên gia đình hoàng tộc và 800 khách mời sẽ tham dự đám cưới tại lâu đài Winsor, tuy nhiên không có mẹ của Thái tử Charles, Nữ hoàng Elizabeth II.

 

Tuy nhiên sự ra đi sớm của Diana là một... may mắn? Lý giải điều này, Nicholas Davies, người viết tiểu sử hoàng gia, tác giả của nhiều cuốn sách về Diana, về các nữ hoàng và hoàng tộc đã trình bày: “Như thế, cô ta sẽ giữ mãi hình ảnh tuổi thanh xuân mà không người nào có thể thay thế. Có lẽ cô sẽ đẹp ở một vẻ khác vào cái tuổi 40 nếu còn sống, tiếp đó là 50, cái tuổi mà người phụ nữ thường nhìn lại dáng vẻ mình. Chắc chắn, cô sẽ không được yêu mến nhiều như trước. Với lòng tôn kính, phải thật sự nói rằng cái chết của cô đã để lại kỉ niệm tuyệt vời trong lòng người dân Anh.”

 

Theo một tập san về tâm thần học Anh quốc, sự ra đi của Diana vì tai nạn xe hơi 8-1997 tại Paris đã bóp cò cho một loạt những xu hướng chán chường tuyệt vọng và làn sóng tự tử tại Anh. Số người tự tử gia tăng 17% trong vòng bốn tuần sau tai nạn đau thương này, với 45% trong số phụ nữ qua đời ở tuổi 25-44.

 

Ngoài ra, còn nhiều con số nói lên lòng mến một với Công nương Diana. Nếu như 750.000 người đã vặn TV để theo dõi gala đám cưới của cô tại London, thì có hơn 3 triệu người nối đuôi theo đoàn xe tang ngày buồn và 5 triệu album tri ân Diana được Elton John thu âm được tiêu thụ.

 

Những năm sau, vào 2002, trong một cuộc thăm dò của đài BBC, Diana đã được đứng vào vị trí vĩ nhân thứ ba của nước Anh.

 

Năm ngoái, một đài phun nước được dựng ở công viên Hyde, London, trong suốt mùa hè, có 5.000 người đến tưởng niệm cô mỗi ngày.

 

Và ngay cả hôm nay, Diana đang là nhân vật chính cho vũ kịch “Công nương Diana” tiếp tục gợi lên bao hoài niệm về mối tình không trọn vẹn với Thái tử Charles khi có người thứ ba, Parker Bowles, chen vào. Chính vì oái oăm đó, những người dàn dựng vỡ diễn này đã ray rứt nói lên câu “chuyện cổ tích không bao giờ có thật”.

 

Có thể chuyện cổ tích không có thật, nhưng nhân vật trong chuyện cổ tích mãi đi vào giấc mơ và luôn được yêu mến. Công nương xứ Wales - Diana Frances Spencer - mãi là đóa hồng không nhạt phai.

 

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm