1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Di sản "con rồng" Singapore của Thủ tướng Lý Hiển Long

Thanh Thành

(Dân trí) - Trong hơn 20 năm làm Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long đã để lại dấu ấn đậm nét trong nền chính trị và xã hội nước này.

Di sản con rồng Singapore của Thủ tướng Lý Hiển Long - 1

Thủ tướng Lý Hiển Long từ nhiệm hôm nay, 15/5 (Ảnh: CNA).

Thủ tướng Lý Hiển Long hôm nay 15/5 sẽ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm, Lawrence Wong, hiện là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore.

Ông Long đã nhiều lần nói rằng ông muốn bàn giao Singapore cho người kế nhiệm trong trạng thái của "một đất nước ổn định, trật tự".

Và thực tế cho thấy ông đã làm được điều đó.

Bằng nhiều chiến lược khác nhau, Thủ tướng Lý Hiển Long thực sự dẫn dắt quốc gia với 5,6 triệu dân trở thành một trung tâm nghiên cứu uy tín trong khu vực, một trong những quốc gia có cơ sở hạ tầng phát triển đầy đủ nhất, là một trong 5 quốc gia giàu nhất thế giới về GDP bình quân đầu người với 88.000 USD, là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia trên toàn thế giới...

Và quan trọng hơn nữa, Singapore đã thực sự thịnh vượng, phát triển và bình đẳng hơn so với thời điểm ông nhậm chức ngày 12/8/2004.

Đặc biệt, theo các nhà phân tích, dấu ấn nhiệm kỳ của ông Lý Hiển Long chính là hướng tới cách tiếp cận nắm quyền nhẹ nhàng và hợp tác hơn.

Nền kinh tế phát triển vượt bật

Là con trai cả của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, trước khi lên lãnh đạo chính phủ, ông Lý Hiển Long từng điều hành các bộ Thương Mại và Công Nghiệp và cũng từng đảm nhiệm vai trò phó thủ tướng. Nhờ kinh nghiệm dày dặn đó, Singapore ngày nay đang tiên phong trong nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là một trung tâm tài chính của châu Á.

Ông dẫn dắt Singapore bước vào thế kỷ 21, trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới về kỹ thuật số, dịch vụ tài chính, tiền tệ quốc tế, hải cảng quan trọng nhất Đông Nam Á. Khi ông rời vị trí lãnh đạo, Singapore có trong tay 1,77 nghìn tỷ USD trong các quỹ chủ quyền và 480 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại tệ (tính đến tháng 2/2024).

Trong 20 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của Singapore đã tăng hơn gấp đôi, từ 228 tỷ đô la Singapore lên 532 tỷ đô la Singapore (168 tỷ USD lên 392 tỷ USD). Tổng thu nhập trung bình hàng tháng của người dân Singapore cũng tăng từ 2.326 đô la Singapore lên 5.197 đô la Singapore.

Dưới sự dẫn dắt của ông Lý Hiển Long, Singapore có mức độ bất bình đẳng thấp hơn, với hệ số Gini (hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) sau khi chính phủ chuyển giao và thuế giảm từ 0,42 xuống 0,37.

Ông Long đã đưa Singapore trở thành điểm đến du lịch yêu thích của thế giới, với lượng du khách hàng năm tăng từ 8,3 triệu lên 13,6 triệu. Lượng hành khách đến sân bay hàng năm tăng hơn gấp đôi, từ 14,3 triệu lên 29,5 triệu.

Nền kinh tế Singapore cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng các hiệp định thương mại tự do, vốn từ chỉ 5 hiệp định trong năm 2004 lên tới 27 hiệp định hiện nay.

Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, Singaopore vừa phát triển vừa có thặng dư ngân sách liên tiếp. Giới quan sát nói rằng, ông Lý Hiển Long đã khéo léo dẫn dắt Singapore chống chọi đại dịch Covid-19 bằng chính sách trợ cấp cho dân, giãn thuế cho doanh nghiệp, đẩy mạnh số hóa, tiêm vaccine đại trà và linh hoạt trong cách phong tỏa chống Covid-19, rồi nhanh chóng mở lại các hoạt động kinh tế.

Cơ sở hạ tầng

Nhiệm kỳ nắm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng giám sát sự bùng nổ cơ sở hạ tầng vượt bật. Trong 20 năm qua, số lượng căn hộ do nhà nước xây dựng (gọi là căn hộ HDB ) ở Singapore đã tăng từ 878.000 lên 1,1 triệu căn.

Ông Long là người hướng tới tương lai lâu dài của Singapore với các dự án cơ sở hạ tầng nổi bật như siêu cảng Tuas. Khi hoàn thành vào năm 2040, siêu cảng Tuas sẽ giúp tăng gấp đôi năng lực hàng hải của Singapore và củng cố hơn nữa vị thế của nước này với tư cách là quốc gia đóng vai trò vận tải quan trọng trên thế giới.

Cùng với đó, chiều dài mạng lưới tàu điện ngầm (MRT) và đường sắt hạng nhẹ (LRT) của đất nước cũng tăng gấp đôi trong nhiệm kỳ của ông Lý Hiển Long, từ 128 km lên 259 km. Hoạt động hàng hải của Singapore cũng bùng nổ, với sản lượng container qua cảng hàng năm tăng từ 21,3 triệu đơn vị lên 39 triệu.

Chuyên gia Nydia Ngiow, giám đốc điều hành của BowerGroupAsia tại Singapore, cho rằng, vị thế của Singapore như một trung tâm kinh doanh, du lịch và thương mại toàn cầu đã được nâng cao thông qua nhiều dự án cơ sở hạ tầng chiến lược trong nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo này.

"Đứng đầu trong số này là sự phát triển của Sân bay Jewel Changi. Ban đầu được hình thành nhằm mở rộng năng lực hàng không, nhưng dần dần chính sự tích hợp của sân bay này với các cơ sở bán lẻ và giải trí đã biến nơi đây thành điểm đến được du khách săn đón", bà nói.

Tiến bộ xã hội

Ở trong nước, chính phủ của ông Long có các chính sách thúc đẩy tinh thần và nhiệt huyết của người dân, và mạnh mẽ đương đầu với những quyết định khó khăn và gây tranh cãi như bãi bỏ luật cấm quan hệ tình dục đồng giới.

Tiến sĩ Gillian Koh, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), cho biết chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long đã đi trước trong việc giải quyết vấn đề phân cấp xã hội, chính trị bản sắc, giai cấp và chủng tộc.

"Sự phát triển đầu tiên và quan trọng nhất nhằm hạn chế sự phân cấp xã hội nghiêm trọng ở Singapore là các biện pháp nhằm đảm bảo chính sách chế độ đãi ngộ nhân tài", ông cho biết. Và thực sự cốt lõi cho sự thành công "hóa rồng" của Singapore xoay quanh chính sách trọng dụng nhân tài này.

Cải cách giáo dục đã mang đến cho sinh viên Singapore cơ hội nghề nghiệp đa dạng hơn, dễ thành công hơn. Chính phủ dưới thời ông Lý Hiển Long đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, với chi tiêu thường xuyên hàng năm cho giáo dục tăng từ 5 tỷ đô la Singapore năm 2004 lên 12,9 tỷ đô la Singapore vào năm 2022. Số lượng trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng tăng từ 722 năm 2004 lên 2.470 hiện nay.

Trong thời gian ông Lý nắm quyền, dân số Singapore đã tăng từ 4,2 triệu lên 5,9 triệu, với tổng tỷ suất sinh lại đi theo hướng khác, giảm từ 1,26 xuống mức thấp lịch sử là 0,97. Dân số đang già đi nhanh chóng, với tỷ lệ công dân từ 65 tuổi trở lên hiện là 19%, tăng từ mức 8% năm 2004. Con số này dự kiến sẽ đạt 25% vào năm 2030.

Chi tiêu hoạt động hàng năm của chính phủ cho chăm sóc sức khỏe đã tăng gần 10 lần, từ 1,6 tỷ đô la Singapore năm 2004 lên 15,9 tỷ đô la Singapore vào năm 2022.

Những tác động địa chính trị

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, chính Thủ tướng Lý Hiển Long đã giúp định hình bối cảnh chính trị và cách nắm quyền ở Singapore.

Di sản con rồng Singapore của Thủ tướng Lý Hiển Long - 2

Thủ tướng Lý Hiển Long tặng lì xì cho một người dân tại Câu lạc bộ cộng đồng Teck Ghee hồi năm 2023 (Ảnh: MCI).

Tiến sĩ Koh cho biết, dưới thời nhà lãnh đạo này, đã có hệ thống bầu cử dành riêng cho chức tổng thống nhằm đảm bảo đại diện thiểu số, đồng thời số lượng nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử đã tăng lên và có quyền bầu cử giống như các nghị sĩ được bầu.

Những sửa đổi hiến pháp đã được thông qua vào tháng 11/2016. Và người dân Singapore đã chứng kiến chiến thắng vang dội của bà Halimah Yacob, nữ tổng thống đầu tiên của Singapore vào năm 2017.

Tiến sĩ Koh cho biết, chính phủ cũng đã cải thiện và tăng cường quá trình tham gia của công chúng vào việc hoạch định chính sách trong nhiệm kỳ của ông Lý Hiển Long. Bà dẫn chứng việc thành lập "Liên minh hành động", nơi các nhân viên làm việc trong cả khu vực công và tư nhân xác định các vấn đề để cải thiện điều kiện trong ngành của họ. Bà nhận định, cách tiếp cận mang tính tham vấn như vậy dự kiến sẽ tiếp tục tồn tại dưới sự lãnh đạo của người kế nhiệm Lawrence Wong.

"Nếu được hỏi đâu có thể là di sản để đời nhất của Thủ tướng Lý Hiển Long, thì đó có thể là sự kết hợp giữa việc nỗ lực đảm bảo tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị tiếp tục trong suốt đại dịch Covid-19 và những chuẩn bị tỉ mỉ của ông để chuyển giao quyền điều hành chính phủ một cách suôn sẻ", một chuyên gia nhận định.

Ở ngoài nước, thời kỳ cầm quyền của ông Lý Hiển Long đánh dấu việc Singapore nêu quan điểm mạnh mẽ, nhất quán vì một ASEAN tôn trọng luật chơi quốc tế. Singapore đã góp phần giúp ASEAN có tiếng nói rõ ràng hơn trên trường quốc tế.

Ông Lý Hiển Long tạo dấu ấn khác cha ông, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, khi có mối quan hệ gần gũi hơn với Đài Loan dù động thái này gây phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc. Singapore một mặt kiên trì với chính sách không cô lập Đài Loan, một mặt giúp Trung Quốc và Đài Loan đối thoại thay vì đối đầu, bằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu ở Singapore năm 2015.

Một năm sau, Thủ tướng Lý Hiển Long thay mặt Singapore, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, chỉ trích việc quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc, gây căng thẳng với Bắc Kinh.

Dù vậy, mối quan hệ thương mại Singapore - Trung Quốc tiếp tục được nâng cao từ khi ký Hiệp định Mậu dịch Tự do song phương năm 2009. Cùng lúc đó, từ năm 2005, Singapore là đối tác an ninh quốc phòng của Mỹ, dù không phải là đồng minh quân sự và quan hệ này được thắt chặt liên tục những năm qua.

Nhà lãnh đạo có "trái tim rất nhân ái"

Ngoài vai trò ở cấp quốc gia, ông Lý Hiển Long còn là một cố vấn truyền cảm hứng, một người có định hướng chi tiết trong nhóm và một nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái, luôn gắn bó với thực tế đời sống của người dân.

Khi kỷ nguyên truyền thông xã hội bùng nổ và Thủ tướng Lý Hiển Long bắt đầu sử dụng các nền tảng như Facebook, ông đảm bảo sử dụng nó không chỉ để chia sẻ các bài đăng và ảnh của mình mà còn để tiếp nhận tình cảm từ người dân.

Thủ tướng Lý Hiển Long được đánh giá là nhà lãnh đạo có "trái tim nhân ái". Nếu lãnh đạo cơ sở hoặc đảng viên nhập viện, ông sẽ đến thăm hoặc gọi điện cho họ, tùy theo lịch làm việc.

Theo CNA, Straits Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm