1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đệ nhất phu nhân Haiti làm nóng chính trường sau vụ Tổng thống bị ám sát

Minh Phương

(Dân trí) - Tương lai chính trị ở Haiti càng trở nên khó đoán định hơn sau khi Đệ nhất phu nhân Martine Moise trở về nước chịu tang chồng sau thời gian ngắn điều trị tại Mỹ.

Đệ nhất phu nhân Haiti làm nóng chính trường sau vụ Tổng thống bị ám sát - 1

Đệ nhất phu nhân Haiti Martine Moise trở về nước hôm 18/7 sau một thời gian điều trị tại Mỹ (Ảnh: Getty).

Không báo trước, hôm 18/7, Đệ nhất phu nhân Haiti Martine Moise bất ngờ trở về nước sau hơn một tuần điều trị tại Mỹ. Bà Martine được nhìn thấy mặc trang phục màu đen, bên ngoài là áo chống đạn, với mái tóc cắt ngắn và bên tay phải vẫn phải băng bó. Bà cũng không đưa ra bất cứ thông cáo nào sau khi về nước để chuẩn bị chịu tang chồng - quốc tang cố Tổng thống Jovenel Moise - vào ngày 23/7 tới.

Một số chuyên gia tỏ ra ngạc nhiên về việc bà Martine tái xuất nhanh chóng như vậy sau khi thoát ám sát. Họ cũng đặt ra câu hỏi liệu bà có ý định tham gia vào chính trường vốn đang cực kỳ hỗn loạn ở Haiti sau khi Tổng thống Moise bị ám sát hay không.

"Thực tế là sự trở lại của bà ấy có thể cho thấy bà ấy có ý định đóng vai trò nào đó trên chính trường Haiti. Bà ấy có thể can thiệp bằng cách này hay cách khác", Laurent Dubois, chuyên gia về Haiti và là giáo sư của Đại học Duke, nhận định.

Đệ nhất phu nhân Haiti làm nóng chính trường sau vụ Tổng thống bị ám sát - 2

Đệ nhất phu nhân Haiti Martine Moise được tin là sẽ có tác động đến chính trường Haiti sau vụ Tổng thống bị ám sát (Ảnh: AP).

Bà Martine xuất hiện chỉ vài giờ sau khi một nhóm nhà ngoại giao Haiti ở nước ngoài ra một tuyên bố dường như không ủng hộ Thủ tướng lâm thời Joseph - người đang nắm quyền điều hành đất nước với sự ủng hộ của quân đội và cảnh sát Haiti.

Tên của ông Joseph không được đề cập đến trong tuyên bố của nhóm Core gồm đại sứ Haiti ở các nước Đức, Brazil, Canada, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và đại diện tại Liên Hợp Quốc, Tổ chức các nước châu Mỹ.

Nhóm này kêu gọi thành "một chính phủ đồng thuận và bao quát" và ủng hộ Thủ tướng được bổ nhiệm Ariel Henry tiếp tục sứ mệnh được giao phó nhằm xây dựng một chính phủ như vậy. Ông Henry được bổ nhiệm vào vị trí thủ tướng ngay trước khi Tổng thống Moise bị ám sát. Lẽ ra, theo kế hoạch, ông Henry sẽ nhậm chức ngay trong tuần mà Tổng thống Moise bị ám sát, nhưng hiện nay ông vẫn chưa tuyên thệ nhậm chức. Ông Henry cho rằng, do người kế nhiệm Tổng thống đã qua đời do Covid-19, ông mới có quyền hợp pháp điều hành đất nước cho đến khi tổ chức cuộc bầu cử mới.

Trong bối cảnh chính trường Haiti nhiều rối ren như vậy, giáo sư Dubois cho rằng, sự trở lại của bà Martine sẽ có tác động. "Bà ấy rõ ràng là có khả năng đóng vai trò nào đó trong bối cảnh mọi thứ vẫn còn ở trạng thái mở như hiện nay. Mọi người sẽ tự hỏi điều này có tác động gì đến các diễn biến điều tra vụ ám sát hay không", ông Dubois nói.

Đệ nhất phu nhân Haiti làm nóng chính trường sau vụ Tổng thống bị ám sát - 3

Hình ảnh bà Martine Moise khi còn nằm trên giường bệnh tại Mỹ (Ảnh: Haiti Times).

Theo giới chức Haiti, Tổng thống Moise bị ám sát khoảng hơn 1h sáng ngày 7/7 tại nhà riêng. Bà Martine cũng bị bắn trọng thương và phải chuyển đến Mỹ điều trị ngay sau đó. Trong một đoạn ghi âm được cho là của bà Martine đăng tải trên tài khoản Twitter vài ngày sau vụ ám sát, bà chỉ ra nhiều lý do có thể khiến chồng bà trở thành mục tiêu ám sát. Bà cho rằng, có thể những tên sát thủ này được phái tới bởi những người không hài lòng với kế hoạch của chồng bà về việc cung cấp "đường sá, nước, điện cho người dân hay một cuộc trưng cầu ý dân và tổ chức bầu cử cuối năm nay". Theo bà, những kẻ đứng sau vụ ám sát "không muốn thấy sự chuyển đổi trong nước".

Khoảnh khắc nhóm biệt kích ám sát Tổng thống Haiti