Đầu tư tràn lan không hiệu quả, “Vành đai, con đường” Trung Quốc phai nhạt dần hào nhoáng
(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận xét các khoản đầu tư tràn lan xây dựng các dự án không mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho các nước nhận vốn vay đã khiến dự án “Vành đai, con đường” của Trung Quốc gặp trở ngại khi những hào nhoáng ban đầu dần phai nhạt.
Theo Bloomberg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có rất nhiều lý do để cân nhắc lại cách thức thực hiện sáng kiến “Vành đai, con đường” do ông đề xuất, nhất là sau khi Malaysia từ chối khoản tiền 20 tỷ USD đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc chạy dọc bán đảo Mã Lai.
Chính phủ Kualar Lumpur đang chuẩn bị hoãn dự án kể trên vì nội các nước này cho rằng khoản 20 tỷ “nằm ngoài khả năng tài chính của Malaysia”. Bộ trưởng các vấn đề kinh tế Malaysia Mohamed Azmin Ali hồi cuối tuần qua nói rằng Malaysia sẽ chính thức ra thông báo về số phận của dự án đường sắt vào tuần này.
Viễn cảnh sụp đổ của dự án 20 tỷ USD dường như sẽ khiến giới chức Trung Quốc phải cân nhắc lại về tiềm năng của sáng kiến 1.000 tỷ USD với mục tiêu gia tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh. Trong những tháng qua, các nước khắp châu Á đã dừng, thu hẹp quy mô, thậm chí hủy bỏ các dự án với hàng loạt quan ngại liên quan tới vấn nạn tham nhũng, bị bành trướng ảnh hưởng và những khoản nợ khó trả.
“Chúng tôi đang đối diện với rất nhiều phản ứng dữ dội và thách thức. Trung Quốc cần rút kinh nghiệm sau vài năm thực hiện sáng kiến và áp dụng các bài học cho tương lai sau này trong bối cảnh Bắc Kinh đang đứng trước những thách thức kinh tế và sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới”, chuyên gia Pang Zhongying, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học khoa học và kỹ thuật Macau, nhận định.
Theo Bloomberg, ông Tập sẽ có cơ hội điều chỉnh các vấn đề đang tồn đọng trong sáng kiến của ông vào tháng 4 khi Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ 2 về “Vành đai, con đường”.
Hồi tháng 9 năm ngoái, ông từng cam kết với các lãnh đạo châu Phi rằng Trung Quốc sẽ không đầu tư vào các dự án “phù phiếm”. Tuy nhiên, hồi tháng trước, một báo cáo của các công ty quốc doanh Trung Quốc kêu gọi “trách nhiệm xã hội” lớn hơn trong các hoạt động đầu tư. Điều này cho thấy một thực tế rằng Trung Quốc dường như đã chi tiền một cách tràn lan và không hiệu quả với một số dự án.
Ngoài Malaysia, một số quốc gia đã bắt đầu nâng cao cảnh giác với tiền của Trung Quốc do hàng loạt các quan ngại về chính trị và kinh tế. Pakistan, đồng minh của Bắc Kinh, đã từ chối đưa dự án xây đập thủy điện 14 tỷ USD vào trong kế hoạch Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 62 tỷ USD vì vấn đề tài chính.
Myanmar trong khi đó cho biết họ sẽ thu hẹp dự án 7,5 tỷ USD xây cảng nước sâu do tập đoàn CITIC (Trung Quốc) chủ trì. Các quan chức của Naypyidaw nói rằng họ không muốn lặp lại những kịch bản từng xảy ra với các quốc gia khác khi xây dựng cơ sở hạ tầng vượt quá nhu cầu sử dụng và năng lực tài chính để chi trả.
Chuyên gia Xiao Gang, cựu giám đốc của cơ quan giám sát chứng khoán Trung Quốc, phát biểu hồi tuần trước rằng những dự án xây hoàn toàn bằng vốn Trung Quốc trong khuôn khổ “Vành đai, con đường” đều không bền vững. Ông Xiao nói rằng Trung Quốc cần phải đảm bảo những khoản đầu tư của họ đạt được tiêu chuẩn mà quốc tế đã thừa nhận.
Đức Hoàng
Theo Bloomberg