1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dấu ấn mang tên Barack Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình ngay trong năm đầu bước chân vào Nhà Trắng (2009) và đã có nhiều tranh cãi xung quanh giải thưởng này.

Thế nhưng, gần 6 năm sau, với thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, di sản đối ngoại mang tên B.Obama đã được khẳng định. Ủy ban Nobel Hòa bình của Na Uy đã không lầm.

Thực tế, chương trình hạt nhân của Iran đã khiến cả Washington lẫn Tehran không thể xích lại gần nhau trong hàng thập kỷ qua. Trong di sản đối ngoại bộn bề mà chính quyền tiền nhiệm để lại, quan hệ với Iran là một chương gai góc. Chính sách cứng rắn cùng lệnh cấm vận đã không giúp nước Mỹ giải quyết được mối bận tâm mang tên: Vấn đề hạt nhân của Iran.
 
Câu hỏi đặt ra với ông B.Obama khi bước chân vào Nhà Trắng là sẽ theo đuổi chính sách nào với quốc gia Hồi giáo khi "cây gậy" đã không mang lại hiệu quả. Quan trọng hơn, chính quyền của Tổng thống B.Obama còn nhận thấy Tehran đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở Iraq và đặc biệt là Afghanistan. 

Dấu ấn mang tên Barack Obama
Tổng thống B.Obama phát biểu tại Nhà Trắng ngày 14-7 sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc thế giới.
 
Từ đó, Tổng thống B.Obama luôn trung thành với chiến lược giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng con đường ngoại giao. Lần đầu nó được đề cập vào tháng 7-2007, tại cuộc tranh luận với các ứng viên khác của Đảng Dân chủ trong cuộc đua ứng cử viên tổng thống Mỹ.
 
Cho rằng con đường đàm phán luôn mang lại những kết quả tốt hơn là "ngăn chặn" hay can thiệp quân sự, Tổng thống B.Obama đã có quyết định táo bạo khi trực tiếp gọi điện cho tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani (tháng 9-2013) dẫn đến vòng đàm phán kéo dài 21 tháng và thỏa thuận ngày 14-7 vừa qua tại Vienna.
 
Đây là một thay đổi cơ bản sau nhiều thập kỷ ngăn chặn và không thỏa hiệp với "kẻ thù" của Washington. Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ có quyền hãnh diện vì một trong những nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao đang được theo đuổi đã thành hiện thực.
 
Đó không hẳn là một cơ may từ đối thoại, kể cả với kẻ thù của nước Mỹ mà là nỗ lực không mệt mỏi trước một cơ hội được dự báo. Cũng phải nói thêm rằng, tiến trình "sưởi ấm" quan hệ ngoại giao này đã được thực hiện nhờ một sự ngẫu nhiên của chính trị.
 
Ông B.Obama lên cầm quyền tại Washington với sách lược hòa giải để "thay đổi" nước Mỹ. Ngay sau đó, tại Tehran, ông Hassan Rouhani, một nhân vật "ôn hòa" lên nắm quyền với chính sách khác hẳn người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.
 
Nhà phân tích Trita Parsi của National Iranian American Council, một cơ quan nghiên cứu Mỹ-Iran nhận định: Thành quả ngoại giao này là chiến tích quan trọng nhất trong hai nhiệm kỳ của ông B.Obama.
 
Nếu bình thường hóa bang giao với Cuba là sự kiện cụ thể với số đông công dân Mỹ thì ngược lại, thỏa thuận hạt nhân với Iran có tác động địa - chính trị lớn hơn nhiều. Bởi thỏa thuận chính trị này đã đẩy lùi nguy cơ một cuộc chiến mới ở Trung Đông mà "tâm chấn" là Iran với những hậu quả khó lường tại vùng Vịnh.
 
Suzanne Maloney, chuyên gia viện Brookings Instituton, thậm chí còn cho rằng thành quả của Tổng thống B.Obama sánh ngang với nỗ lực ngoại giao của cố Tổng thống Ronald Reagan nhằm giải trừ quân bị với Liên Xô trước đây.
 
Tuy nhiên, thành tựu ngoại giao được xem là "đá tảng" trong chiến lược Trung Đông của Mỹ vừa đạt được với Iran còn phải chờ cái "gật đầu" của Quốc hội Mỹ, hiện đang do đảng Cộng hòa kiểm soát.
 
Tổng thống B.Obama cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử trên là một cơ hội đáng để nắm lấy, đồng thời cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng ông sẽ phủ quyết mọi đạo luật ngăn cản việc thực thi thành công thỏa thuận này.
 
Sự kiện hồ sơ hạt nhân Iran - một chương gai góc của lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại - khép lại sẽ là dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ cuối của tổng thống B.Obama. Bởi vậy, tuyên bố cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng sẽ không phải chỉ là lời nói suông.
 
Đến thời điểm này, có thể nói chính sách ngoại giao và đối thoại của Tổng thống B.Obama là cách thức tốt nhất để giải quyết những bất đồng với các nước được coi là thù địch với Mỹ. Thỏa thuận vừa đạt được đã ngăn một Iran tiến đến sở hữu vũ khí hạt nhân, đưa quốc gia Hồi giáo này trở lại cộng đồng thế giới bằng biện pháp ngoại giao.
 
Nhưng ở khía cạnh rộng hơn, thành công trong tầm nhìn của một chủ nhân Giải Nobel Hòa bình đã không chỉ dừng ở giới hạn tham vọng hạt nhân của Tehran mà còn tạo xung lực địa - chính trị quan trọng đưa một trung tâm Hồi giáo thế giới trở thành một nhân tố giúp tạo lập hòa bình, ổn định ở Trung Đông.
 
Theo Thùy Dương
Hà Nội mới