1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đảo Síp tuyên bố đình chỉ chương trình “hộ chiếu vàng”

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đảo Síp thông báo, vào tháng tới, nước này sẽ đình chỉ chương trình cấp hộ chiếu để đổi lấy đầu tư, còn được gọi là “hộ chiếu vàng”.

Đảo Síp tuyên bố đình chỉ chương trình “hộ chiếu vàng” - 1

Síp đã quyết định dừng chương trình "Hộ chiếu vàng" gây tranh cãi từ tháng tới (Ảnh minh họa: KNews)

Reuters đưa tin, phát ngôn viên chính phủ Síp Kyriakos Koushos ngày 13/10 thông báo nước này sẽ đình chỉ chương trình đổi tiền đầu tư lấy thị thực gây tranh cãi trong thời qua. Theo quan chức này, chương trình “hộ chiếu vàng” sẽ bị dừng vào đầu tháng tới.

Trước đó, chương trình này vướng phải hàng loạt chỉ trích sau khi phóng sự của hãng tin Al Jazeera được công chiếu. Hãng tin này cũng đã công bố tài liệu về hơn hàng nghìn người mua hộ chiếu từ Síp từ năm 2017-2019.

Ngoài ra Al Jazeera cũng đăng tải đoạn video quay lén cảnh một quan chức nhà nước, một nhà lập pháp và một luật sư dường như đang cố gắng hỗ trợ một “nhà đầu tư Trung Quốc” có tiền án (nhân vật tưởng tượng do phóng viên cài vào) để có được tấm hộ chiếu Síp.

Chủ tịch Quốc hội Síp Demetris Syllouris, người xuất hiện trong đoạn video kể trên, đã gợi ý về việc dùng tầm ảnh hưởng của ông để giúp “doanh nhân Trung Quốc”. Sau khi sự việc bị phanh phui, ông Syllouris - người có quyền lực lớn thứ 2 tại Síp chỉ sau Tổng thống Nicos Anastasiades - đã công khai xin lỗi và tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 19/10.

Trước đó, theo chương trình "hộ chiếu vàng", với khoản đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD, nhà đầu tư nước ngoài có thể nhận được hộ chiếu Síp - giấy tờ cho phép họ đi lại tự do trong Liên minh châu Âu (EU) mà không cần thị thực. Síp gia nhập EU vào năm 2004.

Ngoài ra, chương trình “hộ chiếu vàng” còn bị chỉ trích là không rõ ràng và tiềm ẩn nguy cơ liên quan tới các âm mưu “rửa tiền”. Theo các tài liệu của Al Jazeera, gần 2.500 người được cấp “hộ chiếu vàng” thông qua Chương trình Đầu tư Síp đến từ hơn 70 quốc gia. Điều đáng nói là trong danh sách này có những phần tử lừa đảo bị kết án, những kẻ rửa tiền và các nhân vật chính trị bị cáo buộc tham nhũng.