1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Giới siêu giàu vung tiền mua hộ chiếu Síp để “phòng thân”

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều quan chức, doanh nhân giàu có ở Trung Quốc và các nước Ả rập được cho đã bỏ tiền mua “hộ chiếu vàng” ở đảo Síp để phòng thân khi họ gặp phải tình cảnh bất lợi ở quê nhà.

Giới siêu giàu vung tiền mua hộ chiếu Síp để “phòng thân” - 1

(Ảnh minh họa: Active News)

Theo hãng tin Al Jazeera (Qatar), từ cuối năm 2017 tới 2019, có khoảng 500 công dân Trung Quốc và 350 công dân các nước Ả rập được cấp quyền công dân đảo Síp sau khi đầu tư ít nhất 2,5 triệu USD vào quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu EU.

Với nhiều người từ Trung Quốc và Trung Đông, việc sở hữu hộ chiếu EU được xem là hấp dẫn vì nó cho phép họ có thể di chuyển không cần thị thực, làm việc và giao dịch dễ dàng hơn trên khắp châu Âu, một đặc quyền mà họ không có ở quê nhà.

Tại Trung Quốc, Al Jazeera cho rằng “làn sóng” mua hộ chiếu nước ngoài ở quốc gia Đông Á bắt đầu nổi lên sau khi Bắc Kinh thực hiện chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi” nhằm chống nạn tham nhũng từ năm 2012. Chiến dịch này đã gián tiếp dẫn tới sự theo dõi chặt chẽ hơn về hoạt động kiếm tiền và tích trữ tiền của giới kinh doanh Trung Quốc.

Một trong những cái tên được Al Jazeera nhắc tới trong bài điều tra của báo là Yang Huiyan (Dương Huệ Nghiên) và chồng bà. Yang được mô tả là người phụ nữ giàu nhất châu Á, với khối tài sản 27 tỷ USD có được thông qua công ty bất động sản Country Garden Holdings chuyên xây dựng các biệt thự sang trọng.

Một công dân Trung Quốc hiện cũng đang sở hữu hộ chiếu đảo Síp là người thân của một doanh nhân giàu có ẩn danh. Theo Al Jazeera, doanh nhân này hiện chưa xuất hiện trở lại kể từ khi ông bị các đặc vụ an ninh Trung Quốc bắt tại Hong Kong đầu năm nay.

“Tôi cho rằng tất cả những người siêu giàu ở Trung Quốc có thể sẽ có hộ chiếu thứ 2 để phòng thân”, giáo sư Steve Tsang, giám đốc viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London (Anh), nói với Al Jazeera.

Dù hiện tại, trở thành công dân Mỹ, Canada, Australia và Anh vẫn là lựa chọn được yêu thích, nhưng việc dễ dàng có được quốc tịch đảo Síp và với mức độ tiếp cận của cuốn hộ chiếu này với EU đã khiến hòn đảo trở thành một trong những điểm đến được chọn lựa.

Theo Al Jazeera, với những nhân vật giàu có và quyền lực, việc chi trả 2,5 triệu USD cho một cuốn “hộ chiếu vàng” là mức giá hợp lý để gia tăng an toàn, có được quyền lợi di chuyển tự do và cơ hội chuyển tiền qua lại dễ dàng hơn.

“Nói thẳng ra đây là hoạt động bất hợp pháp. Luật ở Trung Quốc quy định người dân chỉ được chuyển tối đa 50.000 USD mỗi năm ra nước ngoài và nếu bạn vượt quá số đó, mà không được cho phép một cách chính thức, thì bạn đang vi phạm luật. Họ thường dùng Hong Kong như một cách để đưa tiền ra ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, họ cũng sử dụng các sòng bài ở Macao như một cách khác để đưa tiền ra ngoài đại lục”, giáo sư Tsang nói.

Ngoài Trung Quốc, nhiều công dân ở các quốc gia Ả rập tại Trung Đông cũng chọn đảo Síp là điểm đến cho việc mua hộ chiếu. Theo Al Jazeera, một số người mua quốc tịch đảo Síp vẫn đang giữ các chức vụ có ảnh hưởng ở quê nhà và họ được gọi bằng thuật ngữ “Cá nhân có ảnh hưởng chính trị” (PEP). Những người thuộc diện PEP thường bị xem là những người có rủi ro cao có thể bị khép tội tham nhũng.

Al Jazeera cho biết, Ả rập Xê út những năm gần đây cũng giống Trung Quốc khi đã đẩy mạnh hoạt động chống tham nhũng. Năm 2017, nhiều nhân vật có ảnh hưởng ở quốc gia này đã bị giam giữ ở khách sạn Ritz Carlton tại Riyadh vì cáo buộc tham nhũng.

Vụ việc này được xem đã khiến nhiều người giàu có ở Ả rập Xê út cân nhắc việc chọn EU là “nơi trú ẩn an toàn” trong tình huống bất trắc.

Theo Al Jazeera, các thành viên gia đình của một trong những người từng bị giam ở Ritz Carlton, được cho đã mua quốc tịch đảo Sip.

Chính phủ Síp lên tiếng

Ngày 26/8, Bộ trưởng Nội vụ đảo Síp Nicos Nouris đã bình luận về cuộc điều tra của Al Jazeera trong một cuộc họp báo. Ông Nouris gọi cuộc điều tra của Al Jazeera là "tuyên truyền" và "dàn dựng".

“Trong 24 giờ qua, chúng ta đã chứng kiến một nỗ lực được dàn dựng bởi Al Jazeera. Sau khi có được tài liệu mật của Cộng hòa Síp, họ đang tấn công vào quốc gia chúng ta thông qua sự xuyên tạc, lừa dối”, ông Nouris cáo buộc.

Ông khẳng định rằng chương trình cấp quốc tịch dựa vào đầu tư của đảo Síp “đang hoạt động một cách minh bạch tuyệt đối” và không có vi phạm trong việc cấp quyền công dân trong khoảng thời gian mà Al Jazeera đưa ra.

Trước đó, sau khi nghiên cứu một số người nhập tịch đảo Síp, Al Jazeera cho biết họ phát hiện nhiều đối tượng đã bị kết án, những người trốn chạy luật pháp và những người bị xem là có rủi ro cao bị cáo buộc tham nhũng.