Đảo chính, dịch Covid-19 đẩy hệ thống y tế Myanmar tới bờ vực sụp đổ
(Dân trí) - Hệ thống y tế Myanmar đang vật lộn với tình trạng thiếu thốn thiết bị, thuốc men và nhân viên y tế giữa "bão" Covid-19 kể từ sau cuộc chính biến chấn động quốc gia Đông Nam Á.
Khó thở, sốt cao, thiếu ôxy để hô hấp - đây là tình trạng của các bệnh nhân Covid-19 Myanmar ở một bệnh viện gần biên giới Ấn Độ. Điều này nhấn mạnh một thực trạng đau lòng rằng, hệ thống y tế của quốc gia Đông Nam Á đang trên bờ vực sụp đổ kể từ sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, theo Reuters.
Để chăm sóc các bệnh nhân ở bệnh viện Cikha, y tá trưởng Lun Za En cùng các đồng nghiệp không còn cách nào khác ngoài cố gắng động viên người bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo và cho uống thuốc hạ sốt.
"Chúng tôi không có đủ ôxy, không có thiết bị y tế, không đủ điện, không đủ bác sĩ, không đủ xe cứu thương. Chúng tôi đang vận hành cơ sở y tế với 3 nhân viên, thay vì 11", y tá trên cho biết.
Theo Reuters, chiến dịch chống Covid-19 của Myanmar gần như sụp đổ sau khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử và giành quyền kiểm soát đất nước gần 4 tháng trước. Các hoạt động ở bệnh viện công tê liệt vì nhiều bác sĩ, y tá, nhân viên y tế tham gia đình công trong khuôn khổ phong trào bất tuân dân sự (CDM) để phản đối quân đội.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 13 bác sĩ đã thiệt mạng khi xuống đường biểu tình. Khoảng 150 nhân viên y tế bị bắt, trong khi hàng trăm bác sĩ và y tá khác bị truy nã.
Chính quyền quân sự Myanmar đã đưa việc chống Covid-19 lên làm ưu tiên hàng đầu. Họ đã kêu gọi các bác sĩ quay trở lại làm việc, nhưng có rất ít người ủng hộ thông điệp này.
Một nhân viên tại một trung tâm cách ly Covid-19 ở Yangon cho hay, hầu hết các nhân viên y tế ở đây đã bỏ việc và tham gia phong trào CDM. Thêm vào đó, cơ sở trên cũng không nhận thêm bệnh nhân Covid-19 vì các trung tâm xét nghiệm cũng đã đình trệ hoạt động do không có nhân lực.
Một tuần trước chính biến, Myanmar thực hiện khoảng 17.000 xét nghiệm mỗi ngày. Con số này tụt xuống 1.200 xét nghiệm/ngày trong 7 ngày gần đây, tính đến 26/5.
Myanmar hiện ghi nhận 140.000 ca Covid-19 và hơn 3.200 người tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, con số này không phản ánh đúng thực tế vì hoạt động chống dịch ở Myanmar đã gần như tê liệt sau đảo chính.
Giờ đây, trước những biến chủng nguy hiểm có khả năng lây lan cao, hoặc có độc lực mạnh hơn, hệ thống y tế đang trong cơn khủng hoảng của Myanmar có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Tại Cikha, nơi cách Ấn Độ chỉ 6km, các nhân y tế lo ngại rằng các bệnh nhân họ đang chăm sóc nhiễm chủng B.1.617.2, chủng lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ. Tuy nhiên, họ cũng không có cách nào xác nhận mối nghi ngờ này vì thiếu thiết bị xét nghiệm. Y tá Lun Za En cảnh báo, nếu mầm bệnh lây lan tới các thành phố đông đúc, việc kiểm soát nó sẽ gần như không thể thực hiện trong thời điểm này.
Trong khi đó, trên khắp Myanmar, một số bác sĩ tham gia đảo chính đã mở các cơ sở bí mật để trợ giúp bệnh nhân.