4 câu hỏi quan trọng về lực lượng Hamas
(Dân trí) - Israel và phong trào vũ trang Hamas đang giằng co trong cuộc xung đột khốc liệt và đẫm máu, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng chỉ trong hơn một ngày.
Ngày 7/10, phong trào Hamas bất ngờ phát động cuộc tấn công chưa từng có vào Israel. Sau khi làm nổ tung nhiều đoạn hàng rào ngăn cách kiên cố, chiến binh Hamas tràn vào các cộng đồng Israel ở miền nam.
Diễn biến này khiến chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo về "một cuộc chiến lâu dài và khó khăn". Máy bay phản lực của Israel đã xuất kích ném bom Dải Gaza, san bằng các tòa nhà cao tầng và khu dân cư.
Hamas là ai?
Hamas là tên viết tắt của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo, hiện kiểm soát Dải Gaza, vùng lãnh thổ rộng khoảng 365km2 có hơn 2 triệu người Palestine sinh sống.
Trong các vấn đề chính trị liên quan tới người Palestine, Hamas cùng Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) đối nghịch là 2 phe chiếm chủ đạo.
Hamas lên nắm quyền ở Dải Gaza từ năm 2007 sau cuộc đụng độ ngắn với phong trào Fatah, lực lượng nòng cốt của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). PLO - vốn được cộng đồng quốc tế, bao gồm Israel, công nhận là đại diện hợp pháp của nhân dân Palestine - chủ trương ôn hòa.
Khác với Fatah, Hamas không công nhận tư cách nhà nước của Israel, cũng như phản đối hiệp định hòa bình Oslo do Israel và PLO đàm phán vào giữa những năm 1990.
Từ khi Hamas kiểm soát Dải Gaza, Israel bắt đầu gia tăng sức ép bao vây kinh tế, hạn chế tiếp lương thực, thuốc men đối với dải đất này, ảnh hưởng nghiêm trọng tới dân thường.
Hamas đặt mục tiêu gì?
Hamas được thành lập ở Gaza vào năm 1987 bởi giáo sĩ Ahmed Yassin cùng phụ tá Abdul Aziz al-Rantissi ngay sau khi nổ ra Intifada đầu tiên. Intifada là phong trào nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ của người Palestine.
Phong trào Hamas đã thành lập nhánh quân sự, Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, để theo đuổi đường lối đấu tranh vũ trang chống lại Israel với mục đích giải phóng người Palestine.
Cả Fatah và Hamas cùng có mục tiêu xây dựng nhà nước Palestine trên cơ sở đường lãnh thổ được hoạch định năm 1967. Tuy nhiên, Fatah chủ trương đàm phán, Hamas theo đuổi phương thức đấu tranh bằng bạo lực.
Toàn bộ phong trào này, hoặc trong một số trường hợp là nhánh quân sự của nhóm này, bị Israel, Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada, Ai Cập và Nhật Bản coi là tổ chức "khủng bố".
Đồng minh Hamas có những bên nào?
Tại Dải Gaza, Hamas và Thánh chiến Hồi giáo, nhóm chiến binh lớn thứ hai trong khu vực, thường xuyên chung tay chống lại Israel.
Thánh chiến Hồi giáo thường hoạt động độc lập với Hamas và tập trung chủ yếu vào đối đầu quân sự. Trong một số lần, Hamas từng gây áp lực buộc Thánh chiến Hồi giáo dừng các cuộc tấn công vào Israel, hoặc quyết định đứng bên lề khi nhóm này đụng độ với Israel. Một số lần khác, Hamas bị kéo vào xung đột.
Hamas liên minh với các nước Trung Đông như Syria và các tổ chức như nhóm Hồi giáo Shiite Hezbollah ở Li Băng.
Một trong những bên ủng hộ mạnh mẽ nhất của Hamas là Iran, quốc gia có lợi ích riêng trong cuộc chiến với Israel. Trong nhiều thập niên, Iran đã cung cấp vũ khí, công nghệ và đào tạo cho Hamas để xây dựng kho tên lửa có thể vươn sâu vào lãnh thổ Israel.
Vì sao Hamas tấn công Israel?
Lý do chính xác của vụ tấn công vẫn chưa rõ ràng, nhưng tình trạng bạo lực đã ngày càng gia tăng trong nhiều tháng giữa binh lính và người định cư Israel với người Palestine ở Bờ Tây.
Những người định cư có vũ trang đã tấn công các ngôi làng của người Palestine, trong khi các chiến binh ở Bờ Tây đã tấn công binh lính và người định cư Israel.
Bối cảnh lớn hơn là việc Israel và Ai Cập đã phong tỏa Dải Gaza trong 16 năm qua, khiến cuộc sống người dân ở đây rất khó khăn.
Người phát ngôn của Hamas, Khaled Qadomi, nói với Al Jazeera rằng nhóm này đã tiến hành chiến dịch quân sự để đáp trả những gì người Palestine phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.
Một số ý kiến cho rằng Iran hậu thuẫn và khuyến khích cuộc tấn công của Hamas để ngăn cản Ả Rập Xê Út bình thường hóa quan hệ với Israel.
Lãnh đạo của Hezbollah - một tổ chức vũ trang khác do Iran hậu thuẫn - ca ngợi cảnh bạo lực nổ ra hôm 7/10, cho rằng cuộc tấn công gửi đi thông điệp, "đặc biệt là đối với những người đang tìm kiếm sự bình thường hóa với kẻ thù này (Israel)".
Israel nhiều khả năng sẽ phản ứng mạnh tay với Hamas và nhiều dân thường có thể thiệt mạng trong quá trình đó. Điều này có thể sẽ làm phức tạp thêm tiến trình bình thường hóa quan hệ.