Đằng sau kế hoạch của Trung Quốc đầu tư nhiều tỷ USD cho châu Âu
Trung Quốc sẽ cam kết đầu tư nhiều tỷ USD cho quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng mới của châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels ngày 29/6...
Mặc dù con số chính thức vẫn chưa được quyết định, nhưng cam kết này sẽ đánh dấu bước đi mới nhất trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm nhận vai trò quản trị kinh tế toàn cầu, thách thức Mỹ. Cam kết này được đưa ra sau khi chính phủ một số nước EU quyết định tham gia dự án Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng – bất chấp sự phản đối của Washington.
Bản dự thảo tuyên bố cuối cùng có đoạn: “Trung Quốc tuyên bố sẽ dành (số tiền X) cho khoản đầu tư chiến lược vào các lợi ích chung trên khắp EU”. Một quan chức ngoại giao EU cho rằng khoản đóng góp của Trung Quốc sẽ lên tới “nhiều tỷ USD”.
Ngày 15/6, khi được hỏi về các kế hoạch của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khang trả lời trước báo chí rằng: “Theo tôi được biết thì Trung Quốc vẫn đang tiến hành nghiên cứu. Hiện tại, chúng tôi chưa có bất kỳ chi tiết nào”.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Trung Quốc đã đề cập với họ về khoản đầu tư này, song từ chối cho biết thêm chi tiết tại cuộc họp báo ở Brussels. Các quan chức EU và Trung Quốc nói với hãng tin Reuters rằng các ngân hàng Trung Quốc đang chủ yếu nhằm vào các dự án viễn thông và công nghệ.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, người sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Brussels sắp tới, sẽ nhất trí với các lãnh đạo EU rằng quỹ đầu tư trị giá 315 tỷ euro (354,94 tỷ USD) này sẽ “tạo cơ hội cho Trung Quốc đầu tư vào EU, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và đổi mới”.
Nếu được ký kết, thỏa thuận này sẽ là một thành công của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, người năm ngoái đã phải đối mặt với nhiều hoài nghi khi đề xuất Quỹ Đầu tư Chiến lược châu Âu (EFSI), bởi chính phủ các nước EU chỉ cam kết đầu tư không đáng kể. Pháp, Đức, Italy và Ba Lan mỗi nước công bố đóng góp 8 tỷ eurro trong khi Tây Ban Nha và Luxembourg cam kết phần đóng góp ít hơn. EU vẫn chủ yếu dựa vào các nhà đầu tư tư nhân và ngân hàng phát triển để huy động vốn cho các dự án được lựa chọn từ một danh sách ban đầu có tới gần 2.000 hạng mục do 28 nước thành viên đề xuất, từ sân bay tới các hệ thống chống lũ lụt, có tổng trị giá là 1,3 nghìn tỷ euro.
Khoản đầu tư lớn của Trung Quốc có thể làm dấy lên những câu hỏi về cách thức quản lý EFSI. Một nhà ngoại giao EU cho biết họ chưa rõ liệu Trung Quốc có đòi có đại diện tương xứng với số vốn họ đóng góp hay không.
Quyết định mời Trung Quốc tham gia một quỹ đầu tư của EU cũng sẽ càng làm “phật ý” Washington - vốn đã thất vọng trước việc châu Âu phớt lờ lời kêu gọi của Mỹ muốn họ không tham gia AIIB.
Alessandro Carano, cố vấn của EC về quỹ đầu tư này, đã lên tiếng bảo vệ quyết định đón chào các nhà đầu tư Trung Quốc. Ông Carano nói: “Mục đích ở đây là huy động thanh khoản trên thị trường. Chúng tôi không phân biệt chủ đầu tư của các quỹ. Trung Quốc là một nhà đầu tư lớn. Chúng tôi không muốn có bất kỳ thành kiến nào”.
Đổi lại khoản đầu tư của mình, Trung Quốc muốn các công ty và chính phủ châu Âu quan tâm nhiều hơn đến sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc có mục tiêu tạo ra Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa với các đường ray, đường cao tốc, ống dẫn dầu và khí đốt, lưới điện, mạng lưới Internet, đường biển và các mắt xích cơ sở hạ tầng khác thông qua Trung, Tây và Nam Á tới tận Hy Lạp.
Phát biểu với hãng tin Reuters, Đại sứ Trung Quốc tại EU Dương Yến Di nói: “Chúng tôi tìm cách tạo ra sự hiệp trợ giữa sáng kiến 'Một Vành đai, Một Con đường' và kế hoạch của ông Juncker để đầu tư vào các sản phẩm có lợi”. Bà đã miêu tả hoạt động lần này có tác dụng như “câu lạc bộ kết nối” các dự án của châu Âu với khoản tiền đầu tư của Trung Quốc.
Các quan chức cấp cao EU - những người đã gặp gỡ ngân hàng và công ty công nghệ Trung Quốc – nói: “Hiện có một cam kết chính trị mạnh mẽ, và nền tảng chung cho hợp tác. Trung Quốc đang sẵn sàng đầu tư”.
Theo TTK/baotintuc.vn