1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dân Trung Quốc thâu tóm nông trại trên đất Canada

(Dân trí) - Do có quá ít trang trại tại Trung Quốc để phục vụ nền dân số đang bùng nổ, các di dân nước này đã bắt đầu thâu tóm đất nông nghiệp tại Canada và đưa các sản phẩm thu hoạch được về Trung Quốc.

Andy Hu chơi với con chó cưng tại nông trại cừu ở Ogema, Saskatchewan.

Andy Hu chơi với con chó cưng tại nông trại cừu ở Ogema, Saskatchewan.

Nhưng các khoản đầu tư mới đã làm nảy sinh những lo ngại rằng thế hệ các nông dân trẻ tuổi bản địa sẽ bị những người mới đến đẩy ra khỏi thị trường. Một số người nghi ngờ rằng những người mới đến được cấp vốn bởi chính phủ tại Bắc Kinh.

Tại tỉnh Saskatchewan, nơi chiếm 45% đất nông nghiệp của cả đất nước Canada, giá đất nông nghiệp đã tăng trung bình 10% trong năm ngoái và tăng 50% trong 3 năm qua tại các khu vực nơi các di dân Trung Quốc định cư.

Giới chức tỉnh đã đếm được khoảng 6 công ty đầu tư lớn đang mua đất nông nghiệp tại tỉnh Saskatchewan, nhưng không rõ liệu các công ty này có liên quan tới Bắc Kinh hay không, cũng như ước tính quy mô đất mà họ kiểm soát.

Đối mặt với những yêu cầu ngày càng gia tăng từ các thị trưởng địa phương về một cuộc điều tra, giới chức tỉnh Saskatchewan đã bắt đầu xem xét về vấn đề này kể từ năm ngoái.

“Luật pháp tại Saskatchewan quy định rõ ràng rằng chỉ các công dân Canada hoặc người dân sinh sống lâu dài mới được đầu tư vào đất nông nghiệp (mua trên 4 héc-ta)”, người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh, ông Lyle Stewart, cho hay.

Tương tự như vậy, các tập đoàn nông nghiệp cũng phải 100% vốn của Canada.

Tuy nhiên, ông Stewart cho biết thêm, một nhà điều tra đặc biệt đã được thuê để điều tra "các tin đồn nói rằng một số cá nhân đang cố tình lách luật và những người này được cấp vốn bằng tiền từ nước ngoài”, cũng như điều tra việc số tiền này ở đâu ra.

“2 hoặc 3 trường hợp đáng ngờ” đã được xác định và đang đối mặt với cuộc điều tra kỹ hơn, ông Stewart nói thêm, nhưng từ chối cung cấp các thông tin chi tiết vì cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.

Ông Stewart cũng lưu ý rằng giá bất động sản Saskatchewan tương đối rẻ, thuế thấp và giá thuê cũng thấp, trong khi giá hàng hóa đang tăng lên, vì thế “tình hình đang trở nên thuận lợi cho những người muốn đầu tư”.

Nhưng sau khi các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đầu tư các khoản tiền lớn vào các vùng đất chứa nhiều dầu mỏ tại tỉnh Alberta - vốn khiến Ottawa phải thắt chặt quy định đầu tư nhằm cố gắng ngăn chặn các chính phủ nước ngoài kiểm soát các tài nguyên của Canada, nhiều người tại tỉnh Saskatchewan nhanh chóng tin rằng Bắc Kinh giờ đây đang nhắm tới nguồn đất nông nghiệp của họ để cung cấp nông sản cho người dân trong nước.

“Một số người nói rằng nhà nước Trung Quốc đứng sau việc này. Điều đó là không đúng”, Andy Hu, 39 tuổi, giám đốc điều hành Maxcrop, một công ty đầu tư tham gia vào lĩnh vực bất động sản của Saskatchewan, cho hay.

“Các nhà đầu tư của chúng tôi là những người có tiền và họ đang tìm kiếm cơ hội tốt để đầu tư”, Hu nói. Được thành lập vào năm 2009, công ty hiện sở hữu 3.000 héc-ta đất và quản lý gần 30.000 héc-ta cho các nhà đầu tư.

Là một cựu quản lý của công ty đồ chơi Mattel tại Trung Quốc, Hu di cư tới Canada vào năm 2004 và thành lập một công ty bất động sản ở tỉnh Alberta. Hu đã chuyển tới Saskatchewan sau khi nhìn thấy các lợi nhuận béo bở tiềm năng của đất nông nghiệp chưa được định giá tương xứng ở tỉnh này.

Biến dân địa phương thành người làm công?

Hu cho hay tầng lớp trung lưu mới nổi của Trung Quốc “cần nhiều protein hơn” và “họ sẵn sàng trả tiền để có thực phẩm tốt”.
 
Các khách hàng của Hu hầu hết là các nhà đầu tư chứ không phải nông dân, và một số người có là công dân Canada nhưng sống ở nước ngoài. Họ mua hàng nghìn héc-ta đất tại Saskatchewan mà hiện công ty Maxcrop cho các nông dân địa phương thuê.

Tuy nhiên, Stuart Leonard, 34 tuổi, cho hay hoạt động đầu tư bất động sản đã khiến các nông dân địa phương trẻ tuổi khó mua đất.

Còn Sheldon Zou cho biết anh đã đưa vợ và 2 con gái từ Trung Quốc tới Ogema, tỉnh Saskatchewan và mua một trang trại rộng 1.600 héc-ta và máy móc với giá 1,5 triệu USD.

Do có ít kinh nghiệm làm nông nghiệp thực tế, Zou chủ yếu nhờ vào người dân địa phương để truyền đạt các kinh nghiệm. Năm nay, lần đầu tiên Zou gieo hạt các cánh đồng hoa cải.

Còn đối với Hu, việc phát triển mùa màng mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Hu nhắc tới một thị trấn bị bỏ không gần Ogema, nơi anh lập một nông trại cừu và thuê các di dân Trung Quốc trẻ tuổi để chăn nuôi động vật.

Hu nói trong vòng 2-3 năm sẽ biến nơi này thành nông trại lớn nhất Canada, với khoảng 5.000 con cừu, và xuất khẩu tất cả các loại thịt về Trung Quốc. “Các cơ hội kinh doanh là rất lớn”, Hu nói.

Nhưng Leonard tỏ ra nghi ngờ. “Các tập đoàn lớn không bao giờ có thể tự canh tác trên các mảnh đất này. Liệu họ sẽ biến tất cả chúng tôi thành người làm công?”, Leonard nói.

An Bình
Theo AFP