1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dân Trung Quốc ác cảm với người siêu giàu thích khoe của

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chênh lệch giàu nghèo có dấu hiệu gia tăng trong xã hội Trung Quốc những năm qua đã khiến dư luận nước này ngày càng ác cảm với những người thuộc giới siêu giàu.

Dân Trung Quốc ác cảm với người siêu giàu thích khoe của - 1

Giới nhà giàu hay khoe của ngày càng trở thành mục tiêu chỉ trích của dư luận Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Trên một trình truyền hình thực tế, cựu tổng biên tập tạp chí Harper's Bazaar Trung Quốc Su Mang phàn nàn rằng 650 tệ (101 USD) là không đủ để ăn trong một ngày.

"Chúng ta phải ăn uống tử tế hơn. Tôi không thể ăn với tiêu chuẩn thấp như vậy được", Su nói.

Phát ngôn của Su đã ngay lập tức đã thành chủ đề bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều cư dân mạng cho biết, tiền ăn mỗi ngày của họ thường ít hơn 30 tệ.

Dù Su sau đó đã lên tiếng giải thích rằng câu nói của cô đã bị "hiểu lầm" vì cô ám chỉ rằng 650 tệ là không đủ cho Su ăn uống trong 21 ngày tham gia chương trình truyền hình nói trên. Tuy nhiên, công chúng vẫn không tin vào phát ngôn này.

Theo BBC, câu chuyện của Su là một trong nhiều trường hợp công chúng Trung Quốc tỏ ra bức xúc với những người giàu có vì khối tài sản lớn mà những người này đang sở hữu.

Hồi đầu năm, Diêu An Na, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, đã gây "bão mạng" khi cô thừa nhận rằng cô có một cuộc sống không dễ dàng.

"Tôi chưa bao giờ coi bản thân mình là công chúa. Tôi nghĩ mình giống như mọi người ở cùng trang lứa khi phải làm việc chăm chỉ, học tập chăm chỉ để có thể vào được trường tốt", Diêu, con gái "cưng" của một tỷ phú có khối tài sản 1,4 tỷ USD, cho biết.

Chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn

Trong nhiều năm qua, nhiều nhân vật trong giới nhà giàu của Trung Quốc thường có những màn phô trương, khoe những chiếc xe hơi và túi xách sang trọng trên mạng xã hội - động thái thường khiến những người theo dõi họ phải ghen tị.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, bất cứ hình thức phô trương giàu có dù có chủ đích hoặc không, đều phải hứng chịu những phản ứng không thiện cảm từ công chúng.  

Những người như Su và Diêu bị "tấn công" vì công chúng tin rằng những người nổi tiếng hoặc những người thuộc nhóm "phú nhị đại" - tức con cái của những gia đình giàu có, đơn giản là không xứng đáng với những khoản thu nhập kếch xù như vậy.

"So sánh với các ngôi sao và những nghề hái ra tiền dễ dàng của họ, mọi người thường phàn nàn về việc họ phải cật lực làm việc ra sao và kiếm được ít như thế nào", giáo sư Jian Xu từ Đại học Daekin (Australia), chuyên gia về văn hóa truyền thông Trung Quốc, cho hay.

Tiến sĩ Haiqing Yu, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học RMIT (Australia), cho biết, bình luận của Su về tiền ăn khiến mọi người giận dữ vì họ cho rằng một số người đang có quá nhiều tiền, trong khi nhiều người lại có rất ít.

Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đang rất lớn. Thu nhập trung bình toàn quốc là 31.189 tệ (5.030 USD), tức là mỗi người trung bình kiếm được 2.682 tệ/tháng. Theo báo cáo của công ty Hurun, giới nhà giàu Trung Quốc kiếm được 1,5 nghìn tỷ USD trong năm 2020, tương đương một nửa GDP của Anh.

Với những người giàu có thích phô trương tài sản một cách "sỗ sàng", dư luận Trung Quốc thường xem họ như là người vô cảm với thế sự. Dù đây là một hành động bình thường ở các nước đang có vấn đề về bất bình đẳng thu nhập, nhưng Trung Quốc lại có một câu chuyện đặc biệt phía sau.

Trong một khoảng thời gian dài, nhiều người dân nước này cho rằng họ có thể đạt được "sự thịnh vượng chung" - mục tiêu mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng đặt ra.

"Tuy nhiên, sau 40 năm kể từ khi nền kinh tế mở cửa, người giàu đang ngày càng giàu lên, bỏ lại nhiều người phía sau với cảm giác bất lực và chán nản", tiến sĩ Xu nói.

Đôi khi sự phẫn nộ cũng trở nên trầm trọng vì công chúng kỳ vọng người nổi tiếng sẽ đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

Tâm lý so sánh

Dân Trung Quốc ác cảm với người siêu giàu thích khoe của - 2

Nữ diễn viên Trịnh Sảng bị chỉ trích vì được trả thù lao quá cao (Ảnh: HPIC).

Tháng trước, dư luận Trung Quốc xôn xao khi có thông tin rằng nữ diễn viên Trịnh Sảng được trả 2 triệu tệ/ngày cho một vai diễn trên truyền hình và nhận tổng cộng 160 triệu tệ (25 triệu USD) cho một dự án.

"160 triệu tệ là sao? Một người bình thường kiếm trung bình 6.000 tệ một tháng phải làm liên tục 2.222 năm, có thể là từ thời Nhà Tần mới kiếm được", một người dùng bình luận.

Nhưng sau đó, công chúng lại càng thêm giận dữ khi bê bối Trịnh Sảng nhờ mang thai hộ và bỏ rơi con bị phanh phui. Nhiều người cho rằng việc Trịnh kiếm được rất nhiều tiền nhưng lại không phải là một hình mẫu tốt là một vấn đề lớn.

Đó cũng là lý do vì sao vào năm 2018, có rất ít người thông cảm với ngôi sao hạng A Phạm Băng Băng khi cô bị cáo buộc tội trốn thuế, dù cô là một gương mặt đình đám ở quốc gia tỷ dân.

Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng việc công chúng không thích người khác khoe giàu vì họ cho rằng đó không phải là hành động thể hiện văn hóa.

Khi giai cấp trung lưu ở Trung Quốc ngày càng mở rộng về quy mô, những người có học thức ở thành thị coi việc khoe khoang sự giàu có là biểu hiện của thói "trưởng giả học làm sang" hoặc "thiếu tinh tế".