Nghiệt ngã chênh lệch giàu nghèo nhìn từ đường phố Philippines
(Dân trí) - Khoảng cách giàu nghèo tại Philippines được lột tả rõ rệt trên đường phố thông qua hình ảnh nhiều người được ăn uống trong những nhà hàng sang trọng, trẻ em sử dụng máy tính bảng đời mới, trong khi không ít người khác phải mưu sinh bằng nghề nhặt rác.
Trong tuần này, Manila sẽ chủ trì hội nghị thường niên của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nơi các nhà hoạch định chính sách khắp thế giới nhóm họp để tìm giải pháp cho sự chênh lệch giàu nghèo đang ngày càng gia tăng tại châu Á.
Theo ADB, sự phát triển nhanh chóng của châu Á đang khiến khoảng cách những người giàu và người nghèo ngày càng bị nới rộng. Khuynh hướng này đang đối lập với một số khu vực như Mỹ La-tinh, nơi sự phân bổ thu nhập ngày càng bình đẳng hơn.
Gần 1/3 dân số Philippines giờ đây đang sống dưới mức nghèo khổ, vật lộn để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như thức ăn và chỗ ở.
Gần 20 triệu người Philippines sống trong các khu ổ chuột và hơn 10% trong số họ sống tại thủ đô Manila.
Khoảng 310.000 trong tổng số những người sống tại các khu ổ chuột ở Manila sống tạm dưới các chân cầu hoặc trên các cống nước thải. Những khu dân cư không hợp pháp này đã chặn dòng chảy và khiến tình trạng lũ lụt ngày càng trở nên trầm trọng tại một quốc gia vốn thường xuyên phải hứng chịu động đất và các cơn bão lớn.
Cách các khu ổ chuột như thế này chưa đầy 1km, các tập đoàn quốc tế đang xây dựng những toà nhà văn phòng và các khu chung cư sang trọng cho người giàu.
Sự bùng nổ kinh tế tại châu Á đã đưa một số người Philippines vào danh sách tỉ phú của tạp chí Forbes. Tầng lớp giàu có đã tạo nên một thị trường tiềm năng cho các cửa hiệu và nhà hàng sang trọng tại Philippines.
ADB cho rằng 2 nguyên nhân chính dẫn tới sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn tại châu Á là sự bất bình đẳng trong thu nhập và cơ hội.
Hai sự bất bình đẳng này tạo ra một vòng tròn nghiệt ngã khi các cơ hội không đồng đều có thể dẫn đến sự chênh lệch thu nhập càng bị nới rộng.
Nếu sự bất bình đẳng tại châu Á ổn định thay vì gia tăng như 2 thập niên qua, tăng trưởng kinh tế của khu vực có thể giúp khoảng 240 triệu người thoát khỏi đói nghèo, theo ước tính của ADB.
An Bình
Theo BBC
Theo BBC